Đất hành lang thủy lợi được cấp... 'sổ đỏ'

Đất trong phạm vi công trình thủy lợi được cấp 'sổ đỏ' là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý trong việc giám sát, xử lý.

Không chỉ xây nhà ở, ông Vũ Xuân Dân (xã Tân Hương, Ninh Giang) còn đổ đất, gạch vỡ lấn chiếm lòng kênh Cửu An

Không chỉ xây nhà ở, ông Vũ Xuân Dân (xã Tân Hương, Ninh Giang) còn đổ đất, gạch vỡ lấn chiếm lòng kênh Cửu An

Thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nhưng nhiều diện tích đất lưu không đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là "sổ đỏ") khiến cho vi phạm thủy lợi gia tăng với mức độ nghiêm trọng, khó xử lý.

Cuối năm 2021, hộ ông Bùi Xuân Thường ở thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) đã tự ý xây dựng nhà khung thép với diện tích gần 160 m2 trong phạm vi bảo vệ hành lang kênh Cửu An. Sau khi phát hiện vi phạm, Trạm Quản lý công trình Neo-My Động đã yêu cầu ông Thường dừng thi công, tự tháo dỡ công trình và khôi phục hoàn trả hiện trạng ban đầu. Dù đơn vị quản lý đã nhiều lần phối hợp chính quyền địa phương làm việc, gửi văn bản xử lý vi phạm nhưng ông Thường vẫn tiếp tục thi công công trình. Điều đáng nói, diện tích đất hành lang thủy lợi mà ông Thường xây dựng công trình vi phạm đã được cấp "sổ đỏ" sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Tại bờ tả kênh Cửu An ở thôn 1, xã Tân Hương (Ninh Giang), ông Vũ Xuân Dân xây dựng nhà ở rộng 63 m2 trên diện tích lưu không. Diện tích ông Dân làm nhà cũng đã được cấp "sổ đỏ". Ông Dân còn đổ đất, gạch vỡ để lấn chiếm lòng kênh. Vi phạm được phát hiện kịp thời song việc xử lý rất khó khăn do chủ thể vi phạm vin vào cớ đất đã có "sổ đỏ" nên có quyền sử dụng theo ý muốn.

Đất trong phạm vi công trình thủy lợi được cấp "sổ đỏ" là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý trong việc giám sát, xử lý. Những vi phạm phát sinh trên diện tích này thường là công trình kiên cố như nhà xưởng, nhà ở... nên khó tháo dỡ, giải tỏa. Việc tồn tại đất hành lang thủy lợi có "sổ đỏ" do hai nguyên nhân chính. Trước đây, một số tuyến kênh trong tỉnh là sông tự nhiên, người dân sinh sống hai bên bờ sông nên được cấp quyền sử dụng đất để ổn định cuộc sống. Còn lại là giao đất, cấp đất không đúng quy định.

Ông Bùi Xuân Thường ở thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) xây nhà khung thép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

Ông Bùi Xuân Thường ở thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) xây nhà khung thép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

Hành lang thủy lợi được quy định nhằm bảo vệ cho công trình nên các hoạt động trong phạm vi này phải bảo đảm không gây cản trở cho việc vận hành và an toàn công trình. Vì vậy, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trước đây và bây giờ là Luật Thủy lợi quy định rõ về phần đất thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi này. Chính quyền địa phương được phép cho người dân nhận thầu khoán để sản xuất nông nghiệp, trồng cây hằng năm. Muốn trồng cây lâu năm phải xin cấp phép để các cơ quan chức năng xem xét, chỉ đồng ý khi bảo đảm các điều kiện về an toàn công trình. Vì thế, việc cấp "sổ đỏ" cho các cá nhân, tổ chức trong hành lang thủy lợi không đúng quy định không chỉ vô tình tiếp tay cho vi phạm phát sinh mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về sau.

Theo ông Nguyễn Gia Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện trên hệ thống có nhiều vi phạm liên quan đến việc đất hành lang thủy lợi được cấp "sổ đỏ". Đối với những trường hợp do lịch sử để lại, đơn vị tạo điều kiện cho người dân sửa chữa công trình, yêu cầu không được cơi nới mở rộng ảnh hưởng tới dòng chảy. Còn với vi phạm mới trên đất hành lang thủy lợi được cấp "sổ đỏ" khi các văn bản pháp luật về thủy lợi có hiệu lực, công ty kiên quyết xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, việc phối hợp xử lý còn nhiều vướng mắc nên hiệu quả không cao.

Xã Tân Hương (Ninh Giang) có khoảng 300 hộ dân được cấp "sổ đỏ" cho diện tích đất nằm trong hành lang bảo vệ kênh Cửu An. "Sổ đỏ" của người dân được cấp từ lâu nên việc áp dụng các quy định hiện hành để xử lý vi phạm thủy lợi tại khu vực này rất bất cập. Theo ông Đào Ngọc Tú, Chủ tịch UBND xã, địa phương nhiều lần nhận được thông báo xử lý vi phạm từ đơn vị quản lý công trình thủy lợi. Song từ tình hình thực tế rất khó có căn cứ xác đáng để xác định cụ thể và xử lý triệt để vi phạm. Người dân xây dựng trên diện tích đất ông cha để lại được cấp quyền sử dụng nên nếu giải quyết không thấu đáo sẽ dễ nảy sinh vấn đề cực đoan. Vì thế, các cấp, ngành cần có sự thống nhất trong việc xử lý vi phạm hành lang thủy lợi đã được cấp "sổ đỏ".

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/dat-hanh-lang-thuy-loi-duoc-cap-so-do-203046