Đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững, an toàn và toàn diện của GMS trong thập kỷ tới
Thủ tướng cho rằng, các nước GMS cần có tầm nhìn và các giải pháp mang tính chiến lược để vừa giải quyết một cách thực chất những vấn đề cấp bách hiện nay, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững, an toàn và bao trùm, toàn diện trong thập kỷ tới.
Hôm nay (9/9), nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị GMS lần thứ 7 theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những biến động chưa từng có; đại dịch COVID-19 và các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… đã và đang tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội và ở tất cả các quốc gia. Đây là khó khăn, đồng thời là cơ hội để các nước thành viên GMS thể hiện nỗ lực, quyết tâm, cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển.
“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ đề của Hội nghị là “GMS: Củng cố sức mạnh để đối mặt với những thách thức của thập kỷ mới”. Chúng ta không chỉ đối mặt mà cần ứng phó có hiệu quả với những thách thức của thập kỷ mới”, Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, Tiểu vùng Mekong mở rộng đóng vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Châu Á. Đây là nơi thử nghiệm thành công mô hình hợp tác tiểu vùng đầu tiên tại châu lục; là cầu nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là cửa ngõ kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN.
Trong gần ba thập kỷ qua, hợp tác GMS với sự tham gia của tất cả các nước ở lưu vực sông Mekong đã không ngừng mở rộng và phát triển, khẳng định uy tín và bản sắc riêng. Việc triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cộng đồng và Cạnh tranh” đã góp phần tạo nên một khu vực GMS kết nối thông suốt hơn, gắn kết hơn giữa người dân và phối hợp tốt hơn trong giải quyết những quan tâm chung của khu vực.
Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, khu vực GMS cần có tầm nhìn và các giải pháp mang tính chiến lược để vừa giải quyết một cách thực chất những vấn đề cấp bách hiện nay, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững, an toàn và bao trùm, toàn diện trong thập kỷ tới. Vì vậy, Thủ tướng hoan nghênh “Khung chiến lược GMS 2030” và “Kế hoạch ứng phó đại dịch COVID-19 và phục hồi của GMS giai đoạn 2021-2023”.
Thủ tướng đề nghị ưu tiên 6 nội dung trong hợp tác GMS giai đoạn tới.
Thủ tướng đề nghị hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung quan trọng sau đây:
Thứ nhất là ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh: Thủ tướng cho rằng, cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai có thể xuất hiện. Trước mắt, cần hỗ trợ tiếp cận vaccine và dược phẩm điều trị COVID-19 một cách cởi mở, bình đẳng và minh bạch; tăng cường chia sẻ vaccine qua các cơ chế đa phương và song phương; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để xây dựng và tự chủ sản xuất vaccine, thuốc chữa các loại dịch bệnh tại khu vực.
Thủ tướng đề nghị ADB nghiên cứu triển khai cơ chế tài chính linh hoạt hơn, ưu đãi hỗ trợ khẩn cấp các nước mua vaccine, thuốc phòng chống dịch và vật tư y tế; giúp doanh nghiệp các nước GMS thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine và thuốc điều trị...
Thứ hai là bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh: Thủ tướng khẳng định, điều hết sức cần thiết hiện nay là cần hài hòa, đơn giản hóa quy trình, thủ tục thông quan, mở “hành lang xanh” tại các cửa khẩu để vừa tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa qua biên giới, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng dịch an toàn. Đề nghị các nước hạn chế áp dụng các rào cản thương mại; tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới như đã cam kết trong GMS.
Thứ ba, tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, đặc biệt là giao thông và năng lượng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế; tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện khu vực.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số nền kinh tế góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển: Thủ tướng cho rằng, song song với hợp tác về phát triển hạ tầng số, các nước GMS cần: (1) Tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các loại nông sản có tính thời vụ. Tăng cường trao đổi, đối thoại hơn nữa về các chủ thể, chủ đề thương mại điện tử, thương mại số; phát huy vai trò của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch, nhất là trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; (2) Nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động, người dân nói chung; (3) Phối hợp để xây dựng khung pháp lý phù hợp, giúp cho kinh tế số phát triển lành mạnh, nhanh nhưng đúng hướng, sâu rộng, bền vững, hiệu quả và hài hòa với lợi ích chung của toàn xã hội.
Thứ năm, xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác: Đó là các Hiệp định thương mại tự do khu vực như RCEP và các Hiệp định giữa ASEAN với đối tác, trong đó có Trung Quốc; khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp để hợp tác GMS thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, cộng đồng khu vực và toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên phát triển GMS với sự tham gia của các thành viên GMS và các đối tác phát triển khác để đánh giá, rà soát tiến trình hợp tác GMS cũng như mở rộng, thu hút thêm nguồn lực, ý kiến tư vấn từ các đối tác phát triển của GMS.