Đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư: Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Hà Nội đã thực hiện việc rà soát, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xen kẹt trong khu dân cư, vừa giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, vừa góp phần hạn chế tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương gặp khó khăn do vượt quy định về hạn mức, khó xác định ranh giới... Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho diện tích đất nông nghiệp bị xen kẹt là việc cần làm ngay để bảo đảm đời sống cho người dân cũng như không lãng phí tài nguyên đất.
Người dân xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống tại khu đấu giá đất xen kẹt thôn Thiết Bình (xã Vân Hà, huyện Đông Anh). Ảnh: Việt Hoàng
Tạo thêm nguồn thu cho ngân sách
Thời gian qua, huyện Đông Anh đã thực hiện chuyển đổi hàng chục nghìn mét vuông đất xen kẹt để triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, xây dựng nhà văn hóa thôn, các công trình phúc lợi, công cộng... vừa góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, vừa tránh xảy ra tình trạng lấn chiếm đất xen kẹt trong khu dân cư. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến cho biết: Năm 2020, toàn huyện thu được 487,8 tỷ đồng từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt tại địa bàn các xã: Uy Nỗ, Mai Lâm, Vân Nội, Việt Hùng...
Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, trong các năm 2019 và 2020, các khu đất xen kẹt thuộc địa bàn phường Trung Sơn Trầm, Viên Sơn, xã Kim Sơn đã mang lại nguồn thu cho ngân sách gần 25 tỷ đồng.
Còn tại huyện Đan Phượng, ngoài việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: Nhà văn hóa, sân thể thao khu dân cư... huyện đang tập trung rà soát, báo cáo UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã giao đến hộ gia đình, nằm xen kẹt trong khu dân cư nhưng khó tưới tiêu, canh tác. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Bùi Văn Hoa, việc này vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, vừa đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho hộ dân và tránh xảy ra tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2020, kết quả tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất là 9.880 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm. Trong số này, một phần nguồn thu từ đấu giá đất nông nghiệp xen kẹt.
Rõ ràng, việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đối với những thửa đất nông nghiệp đã giao đến hộ gia đình, cá nhân, nằm xen kẹt trong khu dân cư, hiện không còn khả năng sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do vượt quy định về hạn mức, khó xác định ranh giới... Cụ thể như trường hợp bà Nguyễn Thị Mai Phương, ở xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đang được các cấp có thẩm quyền xem xét việc chuyển mục đích sử dụng do thửa đất có diện tích 360m2, vượt hạn mức do UBND thành phố Hà Nội quy định (200m2 đối với thị trấn, xã giáp ranh thị trấn; 300m2 đối với các xã còn lại)...
Tương tự, huyện Đan Phượng hiện có 188 thửa đất nông nghiệp, là đất vườn của các hộ gia đình, đã hình thành lối đi, xen kẹt trong khu dân cư, không còn khả năng sản xuất nông nghiệp, tại các xã: Hồng Hà, Liên Hồng, Thượng Mỗ, Tân Lập... Các hộ có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, nhưng diện tích các thửa đất này lớn hơn hạn mức công nhận hoặc chưa xác định được mốc giới giữa thửa đất nông nghiệp với thửa đất ở của hộ gia đình, do hồ sơ quản lý từ thời kỳ trước không thể hiện vị trí các thửa đất...
Trên địa bàn thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), còn tồn tại không ít thửa đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Quý
Tăng cường quản lý và giải pháp cụ thể
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sơn Tây Phan Thị Minh Hạnh, nhằm quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư, bộ phận chức năng các xã, phường sẽ tiếp tục rà soát, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập dự án đấu giá quyền sử dụng đất ở, góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Dự kiến nguồn thu từ các khu đất nông nghiệp xen kẹt trong năm 2021 của thị xã đạt hơn 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Hùng cho biết, xã có 92 thửa đất nông nghiệp, xen kẹt trong khu dân cư và liền với thửa đất ở của các hộ gia đình, diện tích vượt hạn mức từ vài mét đến vài chục mét. Địa phương sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép chuyển đổi và thu giá cao hơn đối với phần diện tích vượt hạn mức...
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, cùng với việc rà soát, lập danh sách những thửa đất công, đất nông nghiệp giao đến hộ, nằm xen kẹt trong khu dân cư, huyện cũng đề nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét, tháo gỡ đối với 188 thửa đất vượt hạn mức.
Theo Giám đốc Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Vũ Xuân Tùng, đối với những khó khăn liên quan đến chuyển mục đích đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư, cũng như chuyển mục đích sử dụng đất chung trên địa bàn thành phố, Chi cục đã tham mưu Sở đề xuất UBND thành phố phương án tháo gỡ khó khăn cho từng địa phương.... Như với trường hợp có thửa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, sát nhà ở, không nằm cạnh thửa đất nông nghiệp khác, nhưng vượt hạn mức, có thể xem xét cho phép chuyển đổi; những thửa đất nằm liền kề với thửa đất nông nghiệp khác và vượt hạn mức, địa phương phải quản lý, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập dự án đấu giá quyền sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách…