DẤU ẤN CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM TẠI APPF-29

Trong các ngày từ 13-15/12, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đã tham dự trực tuyến Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29). 13 Nghị quyết và Thông cáo chung được Hội nghị thông qua với sự đồng thuận cao là quan tâm chung của các nước thành viên, đồng thời thể hiện dấu ấn đậm nét về sự tham gia, đóng góp, đề xuất của Đoàn Việt Nam.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Hội nghị APPF-29 do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của 211 đại biểu từ 22 quốc gia thành viên APPF, quan sát viên và khách mời. Với chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc tăng cường khả năng phục hồi thời kỳ hậu COVID-19”, ngoài lễ khai mạc, bế mạc, Hội nghị đã diễn ra Phiên họp Nữ nghị sĩ và 03 phiên thảo luận toàn thể gồm: Phiên toàn thể 1 về các vấn đề chính trị và an ninh “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy hòa bình, an ninh khu vực”, Phiên toàn thể 2 về các vấn đề kinh tế và thương mại “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực”, Phiên toàn thể 3 về hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cũng đã thông qua 13 Nghị quyết và Thông cáo chung.

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sau Hội nghị APPF-29, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong khẳng định Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham gia một cách tích cực trong cả quá trình chuẩn bị, tổ chức các hoạt động trù bị, trong quá trình đưa ra các dự thảo Nghị quyết và đồng bảo trợ nhiều Nghị quyết, tham gia đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung khác của Hội nghị. Sự tham gia tích cực, xây dựng các nội dung của Đoàn Việt Nam được các nước đồng thuận và đánh giá cao.

Thông báo kết quả nổi bật của Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong nêu rõ, tại Hội nghị APPF-29, các ghị viện thành viên đã thông qua được Thông cáo chung. Cùng với đó, các nội dung được nêu tại Hội nghị lần này cũng đạt được sự đồng thuận khá cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, Hội nghị APPF-29 tập trung vào ba nội dung chính. Một là, các vấn đề về hòa bình và an ninh. Hai là, các vấn đề về kinh tế, tập trung nhiều vào phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Ba là, các vấn đề liên quan đến phụ nữ, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ và các biện pháp để bảo đảm bình đẳng giới, tăng quyền cho phụ nữ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về kết quả của Hội nghị APPF-29

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về kết quả của Hội nghị APPF-29

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong chia sẻ, tham gia Hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam đã tích cực trong quá trình soạn thảo Thông cáo chung, đồng bảo trợ nhiều Nghị quyết và đóng góp nhiều nội dung thiết thực, cụ thể vào các nội dung dự thảo Nghị quyết khác.

Các nội dung Đoàn Việt Nam kiến nghị, đề xuất đều được các nước ủng hộ và tiếp thu, thể hiện ở nội dung chính của Thông cáo chung. Nổi bật trong vấn đề kinh tế, Đoàn Việt nam đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác trong khu vực để chống lại đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh việc chia sẻ, tiếp cận vaccine một cách công bằng, tiếp cận các biện pháp y tế, trang thiết bị và thuốc men trong khu vực để cùng nhau sớm nhất vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển.

Về hòa bình và an ninh, Đoàn Việt Nam đã đề xuất thúc đẩy hợp tác lấy con người làm trung tâm; thúc đẩy giải quyết hòa bình các xung đột dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị APPF-29

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị APPF-29

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam cũng đã đề xuất các nội dung liên quan đến lợi ích thiết thực của ta như an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Đây cũng là những nội dung được các nước trong khu vực quan tâm song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng sự đề xuất và cách tiếp cận của Đoàn Việt Nam đã được các nước ủng hộ và chấp thuận, được Ủy ban soạn thảo tích hợp đầy đủ các nội dung này trong Thông cáo chung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết thêm.

Bên cạnh Thông cáo chung, Đoàn Việt Nam đã đồng bảo trợ 04 trong tổng số 13 Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị APPF-29. Thông tin thêm về các nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết, Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực và trách nhiệm tại các phiên họp chuẩn bị văn kiện của Hội nghị, kéo dài 9 ngày, thảo luận 13 dự thảo nghị quyết về các lĩnh vực; đóng góp những nội dung thiết thực đối với các Nghị quyết về hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển bền vững và vai trò của các nghị sĩ, nâng cao bình đẳng giới, trách nhiệm giới và nhạy cảm giới trong các hoạt động của nghị viện.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà

Theo đó, Đoàn Việt Nam đã đề xuất 2 sáng kiến về “Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phục hồi sau đại dịch COVID-19” và “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số”. Hai sáng kiến này của Việt Nam đã được đưa vào 4 Nghị quyết về: Thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối (do Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Philippines và Việt Nam đồng bảo trợ); Tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại (do Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và Việt Nam đồng bảo trợ); Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ (do Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga và Việt Nam đồng bảo trợ) và Thúc đẩy ứng phó COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch (do Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga, Australia và Việt Nam đồng bảo trợ).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết thêm, tại hội nghị lần này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hai bài phát biểu quan trọng trong phiên toàn thể thứ nhất về vấn đề chính trị - an ninh và phiên toàn thể thứ hai về kinh tế - thương mại. Hai bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội được trình bày ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc - chủ nhà của Hội nghị APPF-29, được nhìn nhận như một phát biểu có tính chất dẫn đề, mang tính bao trùm, không chỉ thể hiện quan điểm của Quốc hội Việt Nam mà còn đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm tăng cường vai trò của Nghị viện nói chung và APPF nói riêng. Những phân tích, nhận định và đề xuất của Chủ tịch Quốc hội mang tính xây dựng, cởi mở, hữu nghị, hợp tác. Đồng thời, cho thấy tầm nhìn chiến lược, sự cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của Nghị viện và của APPF trong phục hồi sau COVID-19. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp phục hồi trong và sau đại dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp toàn thể 2 Hội nghị APPF-29

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp toàn thể 2 Hội nghị APPF-29

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nhấn mạnh, Hội nghị APPF-29 là hội nghị Nghị viện đa phương châu lục đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sự tham dự của Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực; về Quốc hội Việt Nam hành động, đổi mới, chủ động và trách nhiệm, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2030” của APPF. Hơn nữa, việc Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-29 cũng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thúc đẩy ngoại giao vaccine, hợp tác quốc tế nhằm hướng tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong nước, vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=61360