Dấu ấn 'đổi mới' qua nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Bài 4): Nghị trường gần dân

Trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội khóa XV, tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra một số nội dung ngắn gọn về phương hướng hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ này với một tinh thần đổi mới, đổi mới và đổi mới. Gần một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua với rất nhiều quyết sách cần kíp, từng hơi thở của cuộc sống đã gần như hiện diện trong nhịp đập của nghị trường, từ các cuộc tranh luận 'nảy lửa' tại các phiên chất vấn tới việc bàn thảo thông qua các dự án luật…

Những câu chuyện đời sống từ nhà ra ngõ tới thẳng nghị trường: Nhỏ mà không nhỏ!

Là phóng viên theo dõi Quốc hội nhiều năm liền, chúng tôi càng ngày càng cảm nhận rõ nét một điểm: Quốc hội càng ngày càng gần cuộc sống của người dân hơn bao giờ hết. Điều này càng được chứng tỏ rõ nét trong gần nửa nhiệm kỳ qua. Các hoạt động nghị trường từ xây dựng luật tới các phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với một tinh thần của một nhiệm kỳ Quốc hội nhiều đổi mới. Trong đó, rất nhiều câu chuyện nóng hổi từ đời sống đã được các ĐBQH đưa vào nghị trường, tranh luận để cùng đưa ra hoặc chỉnh sửa các quy định luật không còn phù hợp với thực tế.

Cuối năm 2021, một vụ bạo hành trẻ em tại TP HCM gây rúng động dư luận. Bé V.A 8 tuổi đã bị mẹ kế và chính người cha ruột của mình tiếp tay dẫn tới tử vong và cuối năm 2022, tòa án đã tuyên tử hình người mẹ kế. Ngay khi sự việc xảy ra, bên lề kỳ họp Quốc hội các phóng viên đã phỏng vấn nhiều ĐBQH lên tiếng về những lỗ hổng trong việc bảo vệ trẻ em hiện nay và đặc biệt, khi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), rất nhiều ý kiến về vấn đề này đã được đưa ra để tranh luận, bàn bạc, thống nhất để với mục đích: trẻ em được bảo vệ và phát triển bình thường.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) là một trong những đại biểu đưa ra những con số thực tế về tình trạng bạo hành trẻ em khiến chúng ta thấy chua xót và ngậm ngùi khi số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2021, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em hầu hết là do chính người thân gây ra. Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, bố - mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ… Nhiều em đã phải chịu những nỗi đau chằng chịt cả trên cơ thể và tâm hồn; nhiều em vì bạo hành mà đã mất đi cuộc sống.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn.

Cũng theo nữ đại biểu này, đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra đằng sau cánh cửa mỗi gia đình nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng. Dẫn đến thời gian qua có nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, bị bạo hành trong một thời gian dài, chỉ bị phát hiện khi các em được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch.

Có thể lấy ví dụ như vụ bé gái 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh được đưa đến viện trong tình trạng đã tử vong. Hay vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội được đưa đến viện trong tình trạng có 39 chiếc đinh găm vào đầu…

Nêu ra tình trạng này, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đã kiến nghị rà soát để khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và trong Luật Trẻ em. Đồng thời bổ sung các biện pháp đặc thù để chủ động phòng ngừa bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Đối với biện pháp cấm tiếp xúc đề nghị cho áp dụng đối với trường hợp bạo hành trẻ em trong thời gian chờ Chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ để đề nghị cơ quan tư pháp có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời cách ly trẻ khỏi gia đình…

Không chỉ vấn đề bạo hành trẻ em, nhiều vấn đề khác liên quan tới tế bào của xã hội đã được các ĐBQH bàn thảo sôi nổi và tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đã cơ bản thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Một vấn đề thời sự nóng hổi của năm 2022 mà chắc chắn mỗi cử tri và ĐBQH không thể nào quên: ra khỏi nhà nơm nớp lo xe không còn xăng và cũng không thể mua nổi xăng!

Năm 2022 được coi là quãng thời gian hết sức "dị biệt" của thị trường xăng dầu. Giá xăng trong nước có lúc đã lên tới trên 32.000 đồng/lít, giá dầu diezen lại cao hơn giá xăng. Và từ giữa quý III đến 2 tháng đầu quý IV, nguồn cung xăng dầu nhiều lúc khó khăn, dự trữ xăng dầu rất mỏng chỉ từ 5 - 7 ngày.

Nhiều lý do được Bộ Công Thương đưa ra giải thích cho việc thị trường nhiên liệu trong nước thiếu hàng cục bộ, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp phải nhập hàng lúc giá cao, bán ra giá thấp và chi phí kinh doanh chưa kịp điều chỉnh khiến họ bị lỗ. Việc này dẫn tới tình trạng đầu mối xăng dầu cắt giảm chiết khấu (mức trích lại dành cho thương nhân phân phối, bán lẻ) và giảm lượng hàng bán ra. Thậm chí, có thời điểm, nhiều nơi treo biển chỉ bán cho người tiêu dùng 30.000 đồng tiền xăng một lần đi đổ.

Sức nóng từ thị trường kinh doanh xăng dầu đã ngay lập tức được đưa vào phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội cuối năm 2022, mặc dù trước đó, tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tài chính đã có thông tin giải thích về vấn đề này.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải thích các nguyên nhân dẫn tới tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống tiếp tục diễn ra thêm ở một số thành phố lớn, tập trung đông dân cư.

ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí.

ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí.

Tuy nhiên câu trả lời này không thể làm yên lòng các ĐBQH. ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí đã ấn nút tranh luận khi cho rằng, các quy định của Nghị định 95 năm 2021 của Chính phủ đã lạc hậu, ngoài ra, Bộ Công Thương đã cấp phép cho quá nhiều đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu dẫn đến việc khó quản lý (36 đầu mối)… Thừa nhận trong điều kiện tình hình thị trường kinh doanh xăng dầu có nhiều dị biệt thì Nghị định 95 đã bộc lộ những bất cập, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp thực tiễn. Còn về đầu mối nhập khẩu xăng dầu, từ khi ông về nhậm chức tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ đã thống nhất không cấp thêm, chỉ cấp đổi giấy phép.

Với những câu hỏi nóng hổi từ cuộc sống, các ĐBQH đã mang vấn đề kinh doanh xăng dầu vào nghị trường và cho đến ngày 11/11/2022, sau cuộc họp khẩn của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, doanh nghiệp về công tác điều hành xăng dầu, tình hình cung ứng xăng dầu đã ổn định trở lại.

ĐBQH đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí bày tỏ: "Điều mong muốn nhất sau khi chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành điều chỉnh những vấn đề tồn tại và thực tế cho thấy có tiến bộ, nhiều vấn đề đã được giải quyết sau chất vấn. Đây là lý do khiến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm của đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước.

Từ giữa quý III đến 2 tháng đầu quý IV, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ.

Từ giữa quý III đến 2 tháng đầu quý IV, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ.

Luật Điện ảnh sửa đổi, thông qua năm 2022 và những nỗ lực đến "phút bù giờ"

Một trong những cam kết mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức ngắn gọn của mình, ông kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi... để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Và việc xây dựng, thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi là một trong những minh chứng cho cam kết ấy.

Lược sử ngắn lại thì Luật Điện ảnh 2006 xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm "Điện ảnh là ngành nghệ thuật" và thời điểm đó, thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh" chưa thông dụng ở Việt Nam. Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, chỉ tiêu đến năm 2020, ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD; nhưng với doanh thu 176 triệu USD năm 2019, điện ảnh đã vượt 20% chỉ tiêu năm 2020.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghiệp điện ảnh đang dần chiếm tỷ trọng lớn trong công nghiệp văn hóa của nhiều quốc gia, cũng như áp lực về một hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam đã đặt ra một áp lực rất lớn với những chuyên gia khi xây dựng và trình dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ VHTTDL ngày 31/3/2023. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ VHTTDL ngày 31/3/2023. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn

Đây được coi là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Ví dụ như các nội dung về công nghiệp điện ảnh, phổ biến phim trên không gian mạng, nội dung quy định về hợp tác điện ảnh với nước ngoài hay chính sách hậu kiểm, phân loại phim... Tại kỳ họp thứ 2, sau nhiều nỗ lực, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã được trình ra Quốc hội và được nhận tới 240 ý kiến phát biểu tại tổ và 23 ý kiến phát biểu tại hội trường. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phải thốt lên: các đại biểu rất quan tâm đến dự án luật này.

Không chỉ là các vấn đề được các ĐBQH tranh luận tại các phiên họp của Ủy ban Thương vụ Quốc hội, hay các buổi thảo luận tổ, Dự án Luật Điện ảnh sửa đổi lần này còn nhận được sự quan tâm của giới làm phim trong nước và cả với các "ông lớn" là các doanh nghiệp sừng sỏ về sản xuất phim bom tấn của nước ngoài. Trong nhiều buổi làm việc với các nhà làm phim trong và ngoài nước của các cấp từ Chính phủ và cả Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, hay Chủ tịch Quốc hội, các nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Điện ảnh được các doanh nghiệp quan tâm hết mức, là chủ đề thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn khác nhau từ các tờ báo và cả các hội nhóm liên quan tới môn nghệ thuật thứ bảy này trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung như: bổ sung một số chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của Nhà nước, của toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh; làm rõ chính sách về phát triển nguồn nhân lực; bổ sung các chính sách thu hút đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động điện ảnh Việt Nam; cụ thể hóa quy định về phổ biến phim trên các nền tảng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh…

Sau nhiều lần tiếp thu chỉnh lý, bổ sung, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua chiều ngày 15/6/2022 và Luật Điện ảnh (sửa đổi) kỳ này được kỳ vọng sẽ tạo những lối mở để điện ảnh Việt Nam phát triển và hội nhập.

Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Luật đã được xây dựng phù hợp hơn với cách quan niệm mới trong bối cảnh xã hội mới và kỳ vọng sâu sắc rằng Luật Điện ảnh sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện để chúng ta giải quyết những bất cập đã cản trở sự phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như tạo điều kiện để điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, chúng ta có một nền điện ảnh phát triển, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Và tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Bộ VHTTDL vào ngày cuối cùng của tháng 3 vừa qua, ông đã nhấn mạnh lại quan điểm mà mình đã cam kết trong phát biểu nhậm chức: "…tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm".

Chủ tịch Vương Đình Huệ chia sẻ: "Luật Điện ảnh (sửa đổi) được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Chúng ta đã nỗ lực đến những "phút bù giờ" để giải quyết được các vấn đề vướng mắc của thực tiễn, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự luật trình Quốc hội thông qua, chuyển mạnh từ tư duy coi điện ảnh chỉ là một ngành văn hóa, nghệ thuật sang tư duy coi đây vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, đồng thời là một ngành công nghiệp văn hóa để có chính sách phù hợp."

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 10/2021.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tiếp thu, giải trình các ý kiến của ĐBQH về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 10/2021.

Ông cũng không tiếc lời khen dành cho Bộ VHTTDL đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đã đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kiến tạo sự phát triển các ngành, lĩnh vực quản lý. Và đây cũng là quan điểm được Chủ tịch Quốc hội nhắc đi nhắc lại: "Công tác lập pháp là để kiến tạo, phát triển".

Theo con số thống kê, công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV được tiến hành có tính chất hệ thống, bài bản, trên cơ sở Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với 137 nhiệm vụ phải rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, không tính những việc bất thường.

Tính đến tháng 4/2023, đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, trong đó có 24 nhiệm vụ luật pháp đã được chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Hầu hết các vấn đề được ĐBQH nêu ra trong quá trình bàn thảo xây dựng dự án luật hay các nội dung đưa ra chất vấn tại nghị trường không phải là việc đưa ra cho xong, mà đều là những vấn đề cần sớm giải quyết.

Đó quả là một con số hết sức ấn tượng với quãng thời gian thực hiện chưa đầy 2 năm.

Nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ qua, hơi thở của cuộc sống đã được thổi vào nghị trường Quốc hội, để từ đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã cơ bản chuyển mình theo hướng đổi mới theo đúng tinh thần của Chủ tịch Quốc hội cam kết trong phát biểu tại lễ nhậm chức của mình. Những quyết sách kịp thời, thẩm thấu vào cuộc sống mỗi ngày của từng người dân chính là minh chứng rõ nhất cho việc xây dựng một Quốc hội gần dân, do dân và vì dân./.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dau-an-doi-moi-qua-nua-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-xv-bai-4-nghi-truong-gan-dan-20230424101642226.htm