Dấu ấn kiến trúc của hai ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội

Hà Nội không chỉ nổi tiếng bởi có một nền văn hóa lâu đời mà còn bởi có những ngôi chùa linh thiêng mang đậm phong cách kiến trúc độc đáo. Chùa Trấn Quốc và chùa Một Cột đã góp một dấu ấn kiến trúc đặc biệt để Hà Nội thu hút hơn với du khách trên toàn thế giới.

Chùa Trấn Quốc.

Chùa Trấn Quốc - nốt nhạc trầm vang trong giai điệu đẹp của đất Thăng Long

Nằm thanh bình giữa mênh mông sóng nước hồ Tây, chùa Trấn Quốc được mệnh danh là nơi linh thiêng và danh lam thắng cảnh đẹp bậc nhất Hà thành. Nơi đây xưa vốn được xây dựng như cung Thúy Hoa phục vụ cho việc nghỉ ngơi của vua chúa. Dù đã trải qua thời gian và sự trùng tu, phong cảnh của chùa hầu như bị thay đổi hoàn toàn nhưng chùa Trấn Quốc vẫn giữ được dấu ấn đậm nét của lối kiến trúc cổ kính.

Kiến trúc cổng chính của chùa Trấn Quốc được sắp xếp theo nguyên tắc Phật giáo với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Cổng được xây chếch hòa quyện với lối dẫn vào chùa cong cong tạo nên một kiến trúc mềm mại thơ mộng.

Tiền đường của chùa Trấn Quốc hướng về phía Tây. Dãy hành lang được nối dài bởi nhà thiêu hương và thượng điện, đằng sau là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi nhà ba gian, mái chồng diêm tạo nên một kiến trúc tổng thể đặc trưng.

Chùa Trấn Quốc có tòa bảo tháp lục độ đài sen 11 tầng, diện tích sàn 10,5m2, cao 15m, mỗi tầng tháp có 6 ô cửa vòm. Phía sau của chùa có những mộ tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng của thế kỉ 18. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ 14 tấm bia quý.

Thượng điện chùa Trấn Quốc.

Mới đây chùa Trấn Quốc đã vinh dự là chùa duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách những ngôi chùa, đền thờ, cung điện, tháp có cảnh quan và kiến trúc đẹp nhất thế giới của trang Thrillist .

Chùa Một Cột – đóa sen cổ giữa lòng Hà Nội

Chùa Một Cột tựa như đài sen vươn lên trên hồ nước.

Nằm trong quần thể chùa Diên Hựu nên chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài (đài hoa sen) với lối kiến trúc độc đáo tựa như một đóa sen ngàn cánh vươn lên trong hồ nước.

Chùa Một Cột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là một công trình kiến trúc sáng tạo với những điêu khắc đá, được kết hợp với hội họa, chạm vẽ hành lang mang tính nghệ thuật, văn hóa và đậm nét dân tộc truyền thống.

Ngôi chùa có kết cấu bằng gỗ, có hình vuông mỗi chiều 3m, mái cong dựng trên cột đá hình trụ cao 4m với đường kính là 1,2m. Trụ đá gồm 2 khối, nét đặc biệt của kiến trúc của chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá. Phần trên thân trụ mang 8 cánh gỗ, trông tựa bông sen nở, ăn liền với mộng 8 cột của chùa (4 cột lớn và 4 cột phụ). Các cột này đỡ lấy các đòn ngang của mái chùa. Nóc chùa có hình mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu về mặt nguyệt. Trong chùa đặt tượng Phật Bà Quan Âm để thờ.

Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt. Cả ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khỏi ao. Ao được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh.

Chùa Một Cột từng được công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” vào năm 2011 do tổ chức kỷ lục châu Á trao tặng.

Chùa Trấn Quốc và chùa Một Cột mang ý nghĩa tâm linh cùng kiến trúc truyền thống vô cùng độc đáo của người Việt, chính là dấu ấn khó phai trong lòng du khách trên khắp thế giới mỗi khi về thăm Hà Nội.

Hạ Ly

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/dau-an-kien-truc-cua-hai-ngoi-chua-noi-tieng-cua-ha-noi.html