Dấu ấn những nhà giáo trong văn nghệ Ninh Bình
Kể từ khi thành lập tới nay, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã phát huy vai trò quy tụ, tập hợp các văn nghệ sỹ vì mục tiêu sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần của người dân. Góp phần vào thành tựu chung ấy có sự đóng góp của những văn nghệ sỹ xuất thân là nhà giáo.
Hiện trong tổng số 200 hội viên của Hội VHNT tỉnh có rất nhiều hội viên là những người xuất thân từ ngành Giáo dục. Lớp hội viên cao tuổi có thể kể tên Thanh Thản, Nguyễn Khắc Thiệu, Võ Ngột, Đinh Hữu Niên, Trần Anh Thuận, Lê Nhuệ Giang, Nguyễn Thị Bình, Vũ Xuân Trường, Đỗ Văn Chuyến, Mai Đức Hạnh, Đỗ Thị Bảy. Lớp trung tuổi có Nguyễn Phú Văn, Nguyễn Mạnh Quỳnh, An Thị Quế, Đặng Diệu Thoa, Bùi Thị Nhài, Phan Vi Diễn, Vũ Thanh Lịch, Vũ Quế Anh. Lớp tác giả trẻ hơn có Đinh Văn Viễn, Bùi Hồng, Phạm Nga, Mai Thị Hồng Quế, Thúy Hoàng, Cầm Thị Đào, Phan Nguyễn, Kù Kao Khải, Nguyễn Chí Linh...
Các tác giả này mỗi người một cơ duyên tìm đến với văn nghệ, nhưng điểm chung của họ là yêu văn chương, nghệ thuật, say mê lao động sáng tạo, khát khao vươn tới thành quả của tri thức, văn hóa. Với đặc thù xuất thân từ nghề giáo, các tác giả này có một điểm chung là những người đã qua đào tạo, có trình độ tri thức nhất định, có nhận thức chính trị vững vàng, giàu đam mê, tâm huyết trong các hoạt động sáng tạo. Lực lượng hội viên này cùng với các hội viên xuất thân từ các ngành, nghề khác đã góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn của văn nghệ Ninh Bình.
Trong suốt quá trình hoạt động của Hội VHNT tỉnh, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, những đóng góp của các tác giả văn nghệ có gốc từ ngành Giáo dục khá rõ nét. Tác giả Thanh Thản là một cây bút đa năng, một đời duyên nợ với văn chương, chữ nghĩa. Nguyễn Thị Bình là một ngòi bút lý luận phê bình sắc sảo. Võ Ngột ngoài bảy mươi xuân vẫn lai láng hồn thơ. Vũ Thanh Lịch đã bước những bước dài để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Nữ nhà văn sáng tác nhiều thể loại: tản văn, truyện ngắn, kịch... và thể loại nào cũng lưu lại dấu ấn sáng tạo cá nhân rõ nét. Còn thầy giáo "3K" Kù Kao Khải đã tạo được chỗ đứng riêng trong làng mỹ thuật cả nước bằng những tác phẩm điêu khắc độc đáo có một không hai. Kù Kao Khải là một trong số không nhiều những tác giả mỹ thuật trẻ Ninh Bình với động năng sáng tạo mạnh mẽ, với khát khao cống hiến đã vươn xa trên con đường nghệ thuật.
Như đã nói ở trên, các tác giả văn nghệ có gốc từ ngành Giáo dục dù đã nghỉ hưu hay hiện còn công tác trong ngành, hoặc đã chuyển nghề, nhưng không thể phủ nhận mối liên hệ về nghề nghiệp trong hoạt động của họ. Chẳng hạn, trong bộ môn văn, thơ, phần nhiều tác giả, hội viên là các thầy cô giáo đang giảng dạy môn văn, hoặc đã từng làm giáo viên văn, hoặc các môn khoa học xã hội. Các tác giả như Thanh Thản, Nguyễn Thị Bình, Vũ Xuân Trường, Lê Nhuệ Giang, Phạm Nga, Cầm Thị Đào là những ví dụ. Tương tự mảng mỹ thuật, thành viên thường là các thầy cô giáo dạy mỹ thuật như: Kù Kao Khải, Phan Nguyễn, Phan Vi Diễn. Âm nhạc thì có sự thamgia của thầy giáo trẻ Nguyễn Chí Linh, cô Vũ Quế Anh.
Cũng có nhiều người từ bục giảng rẽ sang con đường khác, song chính cái gốc văn hóa vững vàng mà họ có được từ những tháng năm gắn bó với bục giảng đã giúp họ vươn xa. Cố nhạc sỹ Tương Lai từng giảng dạy tại Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh. Nhà thơ Thanh Thản trước khi làm Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh (đã nghỉ hưu), trước khi gắn bó với nghề viết chuyên nghiệp từng là một thầy giáo dạy văn. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Văn, nguyên là một giáo viên mỹ thuật. Nhà văn, nhà viết kịch Vũ Thanh Lịch trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp từng có thời gắn bó với văn học nhà trường... Các tác giả này "mỗi người một vẻ", dù tham gia sáng tạo ở lĩnh vực khác nhau đều có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của văn nghệ Ninh Bình. Ở thời điểm khác nhau, dù cho hoạt động văn nghệ có khi sôi động, lúc trầm lắng, nhưng tựu trung, đối với lớp tác giả là nhà giáo đa phần đều có những đóng góp mang tính tích cực cho sự phát triển chung của hoạt động của Hội VHNT tỉnh.
Bản thân những thành quả sáng tạo của những tác giả xuất thân từ ngành Giáo dục đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân trong tỉnh, làm giàu thêm kho tàng văn hóa tinh thần của vùng đất Cố đô Hoa Lư.