Dấu ấn phát triển trên vùng đất gian khó

Sơn La - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, tuy còn nhiều gian khó nhưng đang tạo ra nhiều dấu ấn trong quá trình phát triển. Tinh thần vượt khó thể hiện từ vùng sâu, vùng xa tới đô thị, trong những đổi thay về diện mạo hạ tầng, sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm. Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, Sơn La đang vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía bắc.

Toàn cảnh thành phố Sơn La.

Toàn cảnh thành phố Sơn La.

Sơn La - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, tuy còn nhiều gian khó nhưng đang tạo ra nhiều dấu ấn trong quá trình phát triển. Tinh thần vượt khó thể hiện từ vùng sâu, vùng xa tới đô thị, trong những đổi thay về diện mạo hạ tầng, sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm. Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, Sơn La đang vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía bắc.

Từ ý chí vươn lên

Ở giữa lòng TP Sơn La, trên ngọn đồi Khau Cả, Nhà tù Sơn La - Di tích quốc gia đặc biệt là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường. Chúng tôi đến thăm nơi đây khi tiết trời vào xuân, không thể hình dung nổi năm xưa, những người chiến sĩ cộng sản có thể chịu đựng được cái lạnh cắt da cắt thịt của sương muối bám vào bốn vách gạch đá dày âm u. Giá rét khắc nghiệt, chế độ nhà tù hà khắc cùng những thủ đoạn tra tấn hiểm ác của kẻ thù không những không tiêu diệt được ý chí của những người yêu nước, mà còn hun đúc thêm ngọn lửa cách mạng sục sôi. Chính tại nơi “địa ngục trần gian” này, Chi bộ nhà tù Sơn La ra đời, thổi bùng ngọn lửa cách mạng, dấy lên phong trào yêu nước trong quần chúng nhân dân, từ đó lãnh đạo nhân dân các dân tộc Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thành công vào ngày 26-8-1945.

Phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân các dân tộc Sơn La luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no. Những chặng đường vô cùng gian nan đã tôi luyện ý chí, nghị lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhớ lại hơn ba năm trước, tại xã Nặm Păm (huyện Mường La), một trận lũ quét chưa từng có trong lịch sử đã cuốn trôi hoàn toàn 145 ngôi nhà, 11 người chết, mất tích cùng toàn bộ cơ sở hạ tầng bị tàn phá, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Vượt qua nỗi đau thương mất mát, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Mường La nhanh chóng khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống. Nơi trận lũ kinh hoàng đi qua, vẫn còn đó những thửa ruộng lổn nhổn sỏi đá, nhưng cuộc sống đã dần ổn định. Các gia đình đang tích cực chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng như bưởi da xanh, xoài, nhãn... Trở lại thăm vùng lũ Nặm Păm, chúng tôi rất vui khi thấy bà con đã có thu nhập từ những cây trồng mới, nhờ vậy đời sống ngày càng được cải thiện.

Xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai) nằm trong vùng di dân thủy điện Sơn La, vừa mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xen trong niềm vui của bà con là kỷ niệm sâu sắc về những tháng ngày cả xã vượt bao khó khăn, thử thách để di chuyển ra khỏi vùng ngập. Sau hơn 10 năm hoàn thành di chuyển dân, đến nay các kết cấu hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ, nhà cửa của người dân và các công trình phúc lợi xã hội đều tốt hơn nơi ở cũ. Xã Chiềng Ơn hiện có chín hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình làm kinh tế giỏi, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Phương chia sẻ: “Xã đang đẩy mạnh chuyển đổi từ trồng lúa, sắn kém hiệu quả sang trồng cây dứa, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên đất dốc. Việc chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi đại gia súc đã giúp bà con trong xã mở hướng làm ăn, sớm thoát nghèo”.

Là tỉnh miền núi, vùng cao Tây Bắc, điều kiện đi lại ở Sơn La rất khó khăn khi hệ thống giao thông chưa đồng bộ. Đồi núi độ dốc lớn, nhiều khe suối nhỏ, cộng với thời tiết khí hậu thường xuyên xảy ra nắng hạn, rét hại, gió lốc, lũ ống... là những cản trở lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng tại các xã như Nặm Păm, Chiềng Ơn, truyền thống cách mạng kiên cường đã vun đắp nghị lực vượt khó, vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cao so với cả nước (hơn 33%), gần 34 nghìn hộ dân chưa được sử dụng điện quốc gia… Đến cuối nhiệm kỳ, Sơn La đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó nông nghiệp có bước tiến vượt bậc và là điểm sáng về phát triển kinh tế nông nghiệp của cả nước; diện mạo nông thôn khởi sắc. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, gấp 1,54 lần so năm 2015, đứng thứ năm trong số 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đã hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm có thương hiệu như chè shan tuyết Mộc Châu, nhãn Sông Mã, xoài Yên Châu, cà-phê Mai Sơn, cam Phù Yên... Tỉnh có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước.

Đổi mới, sáng tạo, phát huy tiềm năng

Nhìn lại thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, theo đánh giá của tỉnh, đó là kết quả sự chuyển đổi từ tư duy đến hành động của hệ thống chính trị và bà con các dân tộc. Tỉnh đã xác định đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời xây dựng chương trình hành động với cơ chế, chính sách phù hợp, kết hợp triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đầu năm 2016, nhận định hơn 90% diện tích đất nông nghiệp và đất rừng sản xuất là đất dốc, chủ yếu trồng cây ngô, lúa nương, hiệu quả kinh tế thấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, nội dung trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao (thực hiện kỹ thuật ghép mắt cải tạo cây). Cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ mỗi hộ gia đình thực hiện ghép mắt cải tạo vườn tạp 200 nghìn đồng và định hướng cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật. Đây là bước đột phá, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo trong khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển nông nghiệp xanh, lấy kinh tế du lịch làm khâu đột phá. Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện đã tổ chức các hội thảo về khai thác tiềm năng phát triển du lịch… “Làn gió mới” đang thổi về cơ sở. Xã Ngọc Chiến là xã vùng III (xã dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn) tích cực xây dựng nông thôn mới, cải tạo diện mạo, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tiến Sỹ chia sẻ: “Bà con hưởng ứng đề xuất của xã, tích cực khôi phục những cổng bản mang vẻ đẹp rất đặc sắc. Ngoài việc bảo tồn những nếp nhà sàn bằng gỗ pơ-mu hàng trăm năm tuổi, xã vận động các hộ dân lợp lại mái nhà bằng ván gỗ pơ-mu theo truyền thống. Các sản phẩm đặc sản được tập trung xây dựng như gạo nếp tan Ngọc Chiến, quả sơn tra Nậm Nghiệp, mây tre đan, dệt thổ cẩm… Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến sẽ trở thành sản phẩm OCOP vào năm 2025”.

Nhà máy thủy điện Sơn La tích nước tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng. Tận dụng lợi thế đó, huyện Quỳnh Nhai chuyển hướng sản xuất sang nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Huyện đang thúc đẩy ngành du lịch trên lòng hồ sông Đà phát triển. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoài Thu cho biết: Quỳnh Nhai xác định mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng; là điểm đến hấp dẫn, trọng điểm của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030 trở thành huyện có ngành du lịch phát triển. Huyện cũng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm mạng lưới đường bộ, đường sông tiếp cận thuận lợi đến mọi địa bàn có tiềm năng du lịch.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La: 5 năm tới, tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp, thúc đẩy tự lực, tự chủ của người dân. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như: Xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến tránh TP Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phát triển TP Sơn La theo định hướng đô thị loại I; xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025. Chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, sạch, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu và là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc. Đồng thời, khai thác tiềm năng du lịch; quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tạo động lực phát triển…

Sơn La đang trên đà phát triển. Ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc ở vùng quê cách mạng đã được khơi dậy, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo đà cho một chặng đường mới sôi động.

HẠNH NGUYÊN và ĐỨC TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/dau-an-phat-trien-tren-vung-dat-gian-kho-634089/