Dấu ấn tiến hành công tác chính trị nội bộ ở An toàn khu Định Hóa

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, nhân viên Ban Công tác Chính trị (CTCT)-đơn vị tiền thân của Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị (TCCT) đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, toàn tâm, toàn ý phục vụ kháng chiến, góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn của LLVT và phong trào cách mạng của quần chúng...

Dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng Trung tướng Phạm Sinh, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 2, nguyên Trưởng ban CTCT (Cục Chính trị-đơn vị tiền thân của TCCT) vẫn nhớ rất rõ ngày đầu thành lập cơ quan. Với chất giọng khỏe khoắn, hào hứng, Trung tướng Phạm Sinh đã “đưa” chúng tôi trở lại với An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) hơn 70 năm về trước qua lời kể đầy ắp sự kiện.

Vào đầu năm 1949, thực dân Pháp nhiều lần cho máy bay bắn phá vào xã Định Biên và nhiều khu vực của huyện Định Hóa. Để đảm bảo yếu tố bí mật, Cục Chính trị phải thường xuyên chuyển vị trí làm việc và nơi ở trong phạm vi xã Định Biên. Lúc này, đồng chí Ma Công Điền, Bí thư Chi bộ xã Định Biên, đã chỉ huy lực lượng dân quân du kích và người dân địa phương giúp các phòng, ban của Cục Chính trị đào hầm trú ẩn để cán bộ, nhân viên cơ quan chuyên tâm với nhiệm vụ cách mạng giao.

 Trung tướng Phạm Sinh trò chuyện thân mật với cán bộ Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị.

Trung tướng Phạm Sinh trò chuyện thân mật với cán bộ Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị.

Cũng thời gian này, trước yêu cầu phát triển nhanh chóng về tổ chức LLVT, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội, Cục Chính trị đã có chủ trương củng cố, phát triển và nâng cao vai trò hoạt động của hệ thống cơ quan chính trị trong toàn quân, trong đó có các cơ quan của Bộ Quốc phòng, nhằm góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội về chính trị, làm cơ sở nâng cao sức mạnh chiến đấu của LLVT. Trên cơ sở đó, Cục Chính trị đã xây dựng đề án kiện toàn và bố trí cán bộ để Ban CTCT của cục được hình thành và sớm đi vào hoạt động.

Vào sáng 1-5-1949, Cục Chính trị tổ chức hội nghị cán bộ để bàn thảo, vạch định những nội dung công tác, chuẩn bị cho việc thành lập các đại đoàn chủ lực, chuyển sang giai đoạn tổng phản công, đồng thời giải quyết một số vấn đề xây dựng cơ quan. Hội nghị khẳng định tính cấp thiết phải thành lập tổ chức làm CTCT nội bộ ở Cơ quan cục. Ngay sau đó, Cục Chính trị sắp xếp phân công cán bộ để hình thành Ban CTCT. Ban có nhiệm vụ động viên, giáo dục tinh thần cán bộ, nhân viên trong cục; phối hợp với đoàn thể, chính quyền địa phương khu vực đóng quân để nắm tình hình chung; tăng cường sự phối hợp vận động đoàn thể nhân dân nêu cao ý thức thực hiện công tác bảo mật, phòng gian, bảo vệ khu vực đóng quân và ATK. Ban CTCT khi mới hình thành do đồng chí Thế Sinh phụ trách.

Đầu tháng 6-1949, Cục Chính trị đề nghị Bộ Quốc phòng ra nghị định tổ chức Ban CTCT trong các cơ quan Bộ Quốc phòng. Ngày 31-10-1949, Bộ Quốc phòng ban hành Nghị định số 203/NĐ về việc “Tổ chức Ban CTCT”. Ban CTCT có nhiệm vụ giúp Cục trưởng Cục Chính trị tiến hành CTCT trong nội bộ cơ quan. Nghị định nêu rõ: “Trong việc định kế hoạch CTCT trong các cơ quan Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Chính trị có một ban CTCT giúp việc. Ban CTCT có nhiệm vụ: Nghiên cứu và đề nghị kế hoạch hướng dẫn nhân viên rèn luyện tư tưởng, học tập chính trị và chuyên môn; nghiên cứu và đề nghị kế hoạch lãnh đạo nhân viên thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi người; nghiên cứu và đề nghị kế hoạch tổ chức đời sống tập thể, cải thiện sinh hoạt cho nhân viên, quân đội hóa cơ quan...”. Nghị định cũng quy định Ban CTCT có 3 tiểu ban gồm: Văn thư, tuyên huấn, tổ chức. Theo Nghị định số 203/NĐ của Bộ Quốc phòng, Ban CTCT được thống nhất tổ chức ở các cục, các nha trong Bộ Quốc phòng.

Trung tướng Phạm Sinh, tự hào kể: “Vào đầu tháng 11-1949, sau khi học xong lớp bồi dưỡng chính trị tại Trường Trung cấp Chính trị ở Đại Từ (Thái Nguyên) tôi được cấp trên giao nhiệm vụ giữ chức Trưởng ban CTCT. Trước đó đồng chí Thế Sinh phụ trách ban trong thời gian rất ngắn, rồi đồng chí nhận công tác khác. Thư ký, kiêm văn thư của ban là đồng chí Nguyễn Thúy Bình”.

Đồng chí nguyên Trưởng ban CTCT chia sẻ với chúng tôi những khó khăn ngày đầu ban đi vào hoạt động. Trụ sở chính của ban lúc đó là ngôi nhà hai gian cột nứa, lợp lá cọ nằm ở sườn đông của đồi Ót Nghè, thôn Thâm Tắng, xã Định Biên. Phía sau nhà có căn hầm nhỏ để trú ẩn và làm việc mỗi khi có máy bay địch. Trụ sở phụ ở thôn Đồng Rằm, xã Định Biên. Thời điểm này vì đảm bảo yếu tố bí mật nên các đồng chí lãnh đạo cục thường xuyên di chuyển địa điểm làm việc trong các thôn của xã Định Biên. Vào cuối tháng 11-1949, đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng; đồng chí Khuất Duy Tiến, Cục phó Cục Chính trị đã lệnh đồng chí Phạm Sinh tới thôn Khau Lầu, xã Định Biên nhận nhiệm vụ làm công tác chuẩn bị cho Chi bộ Cơ quan Cục Chính trị tổ chức Đại hội lần thứ nhất, để kiểm điểm công tác lãnh đạo trong những năm qua và thảo luận về phương hướng lãnh đạo trong thời gian tiếp theo.

Trong căn nhà nhỏ ở đồi Ót Nghè, cán bộ, nhân viên Ban CTCT tích cực nghiên cứu tài liệu, thu nhập tin tức, phối hợp với các phòng, ban trong cục nắm kết quả hoạt động của LLVT, giúp Chi bộ Cơ quan Cục Chính trị tổng hợp báo cáo kết quả lãnh đạo của chi bộ trên các mặt: Lãnh đạo cơ quan giúp thủ trưởng Cục chỉ đạo CTCT toàn quân, lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo công tác vận động quần chúng, lãnh đạo xây dựng nền nếp cơ quan... Tại đại hội đồng chí Phạm Sinh, Trưởng ban CTCT được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Chi bộ Cơ quan Cục Chính trị.

Khi Cục Chính trị phát triển thành TCCT thực hiện nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo quân đội về phương diện chính trị (theo Sắc lệnh số 121/SL-CP ngày 11-7-1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức Bộ tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam), Chi bộ Cơ quan Cục Chính trị phát triển thành Đảng bộ Cơ quan TCCT. Ban CTCT được Chủ nhiệm TCCT xác định là cơ quan đảm nhiệm CTĐ, CTCT của Cơ quan TCCT; có trách nhiệm tham mưu giúp Liên chi ủy Cơ quan tổng cục chỉ đạo tiến hành CTĐ, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Cơ quan TCCT. Đồng thời, giúp thủ trưởng Cơ quan tổng cục tiến hành CTCT nội bộ; xây dựng cơ quan vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ quan chiến lược chủ trì CTĐ, CTCT trong toàn quân.

Quán triệt tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, vào đầu quý III năm 1950, Ban CTCT đã chủ động tham mưu giúp Liên chi ủy Cơ quan TCCT tổ chức Đại hội Liên chi bộ Đảng Cơ quan TCCT lần thứ II. Đại hội đề ra những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ CTCT và công tác xây dựng Đảng trong cơ quan, thực hiện kế hoạch “Giản chính cơ quan” của Tổng Quân ủy để xây dựng cơ quan vững mạnh. Đại hội đề ra chủ trương: Cơ quan TCCT cùng toàn quân thực hiện tốt phương châm, nhiệm vụ quân sự, hướng vào các nội dung: Xây dựng LLVT nhân dân về mọi mặt, nhất là xây dựng về chính trị; rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ trong quân đội; chủ trương tổng phá ngụy binh của địch; xây dựng nền nếp CTCT trong bộ đội và tăng cường CTCT trong các vùng chiến lược trọng yếu, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phát động chiến tranh nhân dân, phát triển du kích và dân quân.

Thực hiện nghị quyết đại hội, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của TCCT, đầu tháng 2-1951, thủ trưởng TCCT chủ trương điều chỉnh một bước biên chế Cơ quan TCCT. Theo đó, Ban CTCT được phát triển lên thành Phòng Chính trị Cơ quan TCCT. Biểu biên chế của Phòng Chính trị thời gian này có 9 cán bộ, nhân viên với các bộ phận: Tổ chức, tuyên huấn, cán bộ, chính sách, bảo vệ, hành chính.

Song song với công tác tham mưu giúp thủ trưởng TCCT trong chỉ đạo xây dựng cơ quan, Phòng Chính trị đã cùng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể của xã Định Biên, huyện Định Hóa xây dựng mối quan hệ hiệp đồng, triển khai công tác tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc ở địa phương nêu cao ý thức bảo mật, phòng gian góp phần tham gia bảo vệ Cơ quan TCCT, Cơ quan Bộ Quốc phòng và căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.

Vào cuối tháng 2-1951 đồng chí Phạm Sinh được cấp trên điều động bổ nhiệm Phó chính ủy Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Những khó khăn, vất vả và kinh nghiệm tham mưu, hướng dẫn, tiến hành CTĐ, CTCT trong Cơ quan Cục Chính trị luôn được đồng chí trân trọng giữ gìn và phát huy trên các cương vị công tác sau này. Khi đồng chí Phạm Sinh chuyển công tác, đồng chí Đỗ Xuân Nghi được giao phụ trách Phòng Chính trị. Tiếp sau đó là đồng chí Phan Thêm rồi đến đồng chí Vương Gia Khương... làm Trưởng phòng Chính trị. Các đồng chí trưởng phòng đã cùng tập thể phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thiếu thốn về nơi ở, làm việc trong ATK, đóng góp trí tuệ, sức lực giúp Đảng ủy và Thủ trưởng TCCT chỉ đạo, hướng dẫn củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân viên trong cơ quan TCCT có phẩm chất đạo đức và năng lực tham mưu, chỉ đạo CTĐ, CTCT đối với toàn quân.

Hoạt động của Ban CTCT và Phòng Chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của TCCT trong xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho LLVT, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản cao cả, hình thành nhân cách, phẩm chất cách mạng “Bộ đội Cụ Hồ”. Bảo đảm cho quân đội ta cùng toàn dân làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Kinh nghiệm tham mưu, hướng dẫn hoạt động CTĐ, CTCT trong Cơ quan TCCT của Ban CTCT và Phòng Chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp là cơ sở, là tiền đề quan trọng để Phòng Chính trị (Cục Chính trị từ tháng 3-1988) thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong thời kỳ đổi mới; góp phần xây dựng Cơ quan TCCT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phát triển toàn diện và vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: QUANG THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-an-tien-hanh-cong-tac-chinh-tri-noi-bo-o-an-toan-khu-dinh-hoa-598204