Dấu ấn Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Là một thông tin viên hoạt động xuất sắc liên tục 8 năm liền, từ Sư đoàn 312, tôi được điều về làm phóng viên Phòng biên tập Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) từ đầu năm 1964.

Lúc đó, anh Văn Phác đang Quyền Tổng biên tập. Đến cuối năm, anh Phác vào chiến trường Nam Bộ, Tổng cục Chính trị quyết định cử đồng chí Nguyễn Đình Ước từ Tạp chí QĐND sang thay, đảm đương nhiệm vụ Tổng biên tập Báo QĐND. Cùng dịp đó, các anh Trần Công Mân, Bùi Đình Kế, Trần Minh Bắc cũng được điều động về làm Phó tổng biên tập. Có thể nói, suốt 11 năm ở cương vị Tổng biên tập thời kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng, đồng chí Nguyễn Đình Ước đã cùng tập thể Ban biên tập lãnh đạo, điều hành cả tòa soạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với bầu nhiệt huyết, trái tim sôi nổi, ngay buổi ra mắt đầu tiên, anh Ước đã chuyển niềm đam mê làm báo đến mọi người. Anh nói: Chiến thắng ngày 5-8, đánh thắng cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ vào miền Bắc và tiếp theo các chiến thắng liên tiếp của quân và dân miền Nam, báo ta phải chuyển hẳn sang làm báo thời chiến.

Theo anh Ước, tờ báo phải ra hằng ngày, với bốn mũi đột phá: Một là, phải kịp thời có các bài bình luận quân sự sắc bén, để vạch trần các luận điệu sai trái của Mỹ, ngụy trước dư luận thế giới. Hai là, phải kịp thời phát hiện và đưa nhanh lên báo các điển hình tiên tiến để cổ vũ ý chí quyết thắng của quân và dân cả nước. Ba là, phải có nhiều phóng sự, bút ký, ghi chép sinh động đăng nhiều kỳ ở chân trang 2 để bạn đọc liên tục theo dõi và thêm đam mê tờ báo. Bốn là, phải mạnh dạn dùng các phóng sự ảnh nóng hổi từ chiến trường gửi về, để tăng thêm sức thuyết phục và đổi mới cách trình bày tờ báo.

 Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Nguyễn Đình Ước (bên phải) giao nhiệm vụ cho phóng viên Hồng Phương trước giờ lên đường vào chiến trường B2 và Campuchia, năm 1970. Ảnh tư liệu.

Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Nguyễn Đình Ước (bên phải) giao nhiệm vụ cho phóng viên Hồng Phương trước giờ lên đường vào chiến trường B2 và Campuchia, năm 1970. Ảnh tư liệu.

Anh Ước nói và bắt tay vào triển khai ngay công việc. Trước hết, anh chọn các cây bút sắc sảo gồm các anh: Nghiêm Túc, Phan Hiền, về sau có thêm Hồng Phương, Đỗ Chí vào nhóm bình luận quân sự mang tên Chiến Binh, Chiến Thắng, do chính anh Ước trực tiếp chỉ đạo, cùng thảo luận, phát hiện đề tài, xác định đầu đề và cũng chính anh Ước trực tiếp biên tập, phê duyệt đăng báo.

Bằng bài bình luận mở đầu năm 1965 với tiêu đề “Ai chưa hiểu ai?” và các bài tiếp theo: “Mỹ không được chọn giữa thắng và thua, mà chỉ được chọn giữa thua và thua đau hơn”, “ Đòn đau càng về sau càng ngấm”, “Bước ngoặt của chiến tranh...”, tác giả Chiến Binh, Chiến Thắng đã kịp thời bẻ gãy các thủ đoạn chiến tranh tâm lý, đập lại các luận điệu xảo trá, nguy hiểm của Mỹ, ngụy, đồng thời cổ vũ ý chí quyết thắng của quân và dân ta.

Khi các số báo ra hằng ngày đã ổn định, đồng thời mũi nhọn sắc bén của các bài bình luận quân sự đã có tiếng vang trong công luận, anh Ước xin phép được gặp và mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm tòa soạn để chỉ đạo và gợi ý cho báo những vấn đề cốt lõi trong thông tin tuyên truyền trên báo. Tiếp thu những ý kiến quý báu, sâu sắc của Đại tướng tại buổi nói chuyện với tòa soạn, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước xin phép Đại tướng cho báo đăng một bài chuyên luận ký tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp để động viên, chỉ đạo quân dân cả nước hăng hái, quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Được Đại tướng và thủ trưởng Tổng cục Chính trị đồng ý, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước trực tiếp vạch đề cương bài chuyên luận và chọn đồng chí Tô Ân, Phó trưởng phòng biên tập Quân sự, một cây viết xuất sắc của báo cùng anh Ước chấp bút bài viết của Đại tướng. Bài viết đã được Đại tướng sửa chữa, bổ sung, phê duyệt và đăng trọn vẹn trên 2 trang ruột của báo với tiêu đề nổi bật: "Cả nước một lòng đẩy mạnh cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại đến toàn thắng”. Bài viết của Đại tướng trở thành bài chỉ đạo toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc, theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu, cùng nhất tề đứng lên chống Mỹ, cứu nước.

Trong đội ngũ viết bình luận, xã luận của báo, anh Ước cùng anh Mân rất chú ý bổ sung, đào tạo các anh em trẻ kế tiếp như: Ngọc Nhu, Hồng Phương, Quốc Toàn, Quang Thống, nên Báo QĐND luôn có nguồn dự bị và bổ sung liên tục.

Không phải chỉ trên thể loại bình luận, xã luận, chuyên luận, đồng chí Nguyễn Đình Ước còn thường xuyên trao đổi với Phó tổng biên tập Trần Công Mân kịp thời chỉ đạo các tổ phóng viên, phát hiện đưa lên báo các gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu tiêu biểu, để cổ vũ phát động thành phong trào học tập rộng khắp. Từ nêu gương chính trị viên Nguyễn Viết Xuân ở miền tây Quảng Bình: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”; Đại đội trưởng Phan Hành Sơn: “Mũi nhọn xuyên thủng đội hình địch” ở Quảng Nam-Đà Nẵng; Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ: “Một thắng 20” ở Quảng Trị; đến đội du kích Củ Chi đất thép thành đồng ở cửa ngõ Sài Gòn... đều được Báo QĐND phát động, tổ chức thành Phong trào Thi đua Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Không chỉ đăng báo, anh Ước còn bàn với đồng chí Trần Lâm, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng phối hợp, tổ chức thông tin liên tục trên làn sóng của đài các phong trào học tập gương điển hình chiến đấu, phục vụ chiến đấu tiêu biểu do Báo QĐND khởi xướng.

Cũng với tác phong nhanh nhạy, anh Nguyễn Đình Ước còn khuyến khích các phóng viên đi chiến trường về phải gặp ngay Tổng biên tập, để thông tin nhanh nguồn tài liệu và hình ảnh quý, nóng hổi, xem có thể đưa ngay lên mặt báo được không? Nhờ vậy, anh đã có những quyết định táo bạo: Cho đăng phủ kín trên nửa trang nhất hoặc cả trang trong của báo các phóng sự ảnh của Đoàn Công Tính về mặt trận Quảng Trị hoặc các phóng sự ảnh của Hồng Phương ở mặt trận Campuchia, gây ấn tượng mạnh, nổi bật trên công luận, nhất là trong mặt trận thông tin đối ngoại.

Về các thể loại phóng sự, bút ký, ghi chép, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước đã phân công đồng chí Trần Công Mân trực tiếp chỉ đạo, duyệt bài, nhưng anh Ước vẫn thường xem lại lần cuối trước khi đăng. Anh luôn động viên, khích lệ các cây viết sinh động nhất như: Phạm Phú Bằng, Khánh Vân, Lê Đình Dư, Hà Đình Cẩn, Cao Tiến Lê, Vương Sỹ Đình, Trần Hữu Tòng, Anh Ngọc, Quang Thống, Mạnh Hùng, Thiều Quang Biên,... luôn có các tác phẩm nóng hổi cho báo, đăng nhiều kỳ ở cuối trang 2. Truyện ký “Cuộc đọ sức với quân Mỹ ở I-a-đơ-răng” của Lê Đình Dư, các phóng sự “Làng hầm” của Vương Sỹ Đình, “Đường gai góc nở nhiều hoa thắm” của nhóm tác giả Phòng biên tập Chính trị... được cả anh Ước, anh Mân cùng nêu gương, đánh giá cao trước tòa soạn. Các anh cũng là những người khát khao đến những trận địa chiến đấu và vào chiến trường miền Nam. Năm 1974, anh Mân vào Khu 5-Tây Nguyên. Đầu năm 1975, anh Ước vào miền Đông Nam Bộ. Khi Chiến dịch Tây Nguyên và trận mở đầu giải phóng Buôn Mê Thuột diễn ra, anh Ước cùng nhóm phóng viên đã có mặt tại chiến trường. Anh tổ chức anh em vừa đi vừa viết thiên phóng sự nhiều kỳ nổi tiếng "Đi từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị".

Có thể nói, dù có lúc có thể chưa làm hài lòng một vài anh chị em trong tòa soạn, nhưng thật khó mà kể hết sự đóng góp xuất sắc của đồng chí Nguyễn Đình Ước với vai trò Tổng biên tập Báo QĐND suốt 11 năm thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Có lẽ, để khắc họa hình ảnh đậm nét nhất về anh Nguyễn Đình Ước, tôi muốn kể về hoạt động hết sức khẩn trương trong ngày kết thúc chiến tranh, ngày toàn thắng 30-4-1975. Hôm đó, tôi được anh Ước tin tưởng phân công cùng anh chấp bút bài xã luận “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng”. Trong ngày đó, anh Ước cho tôi được ngồi ở một góc phòng làm việc của anh, để anh kịp chỉ đạo điều chỉnh ý tứ cho bài viết. Trong ngày đó, anh Ước phải đạp xe vào Văn phòng Tổng cục Chính trị và Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu nhiều lần để nắm tình hình chiến sự và kịp xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Anh đã sửa và duyệt 2 lần bản thảo bài xã luận, cho đánh máy hoàn chỉnh rồi, nhưng do tốc độ phát triển quá nhanh của 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, nên đúng 11 giờ đêm phải viết lại lần thứ 3 bài xã luận lịch sử ấy. Hai bản thảo trước chỉ lấy lại được phần đầu còn 2/3 phải viết lại hoàn toàn. Lúc đó, rất mệt và khuya lắm rồi, anh Ước ngồi một đầu bàn, tôi ngồi một đầu bàn, tôi viết xong trang nào anh Ước sửa ngay trang đó và cho cậu liên lạc chờ sẵn đưa xuống các cô đánh máy. Bản thảo bài xã luận hoàn thành vào đúng 1 giờ sáng ngày 1-5. Tôi đạp xe mang bài xã luận mang tiêu đề do anh Ước đặt: “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng” tới tổ sắp chữ của nhà in ở 21 Lý Nam Đế. Cả tổ đang nóng lòng đợi. Tòa soạn đã dành sẵn 2 ô trắng ở trang 1 và trang 4 khoảng 2.000 từ. Tôi ngồi chờ đọc bản dập và cùng sửa nhanh lỗi morasse. Báo bắt đầu in vào lúc 2 giờ 30 phút sáng.

Máy in bắt đầu chạy, tôi chờ lấy 5 bản in còn nóng hổi, đạp xe qua nhà anh Ước ở 16 Lý Nam Đế, đẩy báo qua khe cửa. Trong nhà đèn vẫn sáng. Anh Ước vẫn chưa ngủ, liền nói vọng ra: "Có báo rồi hả! Ai đấy?".

Tôi đáp: "Em, Hồng Phương đây".

Anh Ước thốt lên: "Trời! Thế là ngày toàn thắng có báo in đúng giờ, phát hành sớm nhất rồi! Mừng quá! Hạnh phúc quá, Hồng Phương ơi! Thôi, cậu về nghỉ kẻo vợ con chờ!".

Tôi cảm động và cảm nhận: Giờ phút đó có lẽ hầu như cả tòa soạn vẫn thức cùng chia vui với Tổng biên tập, với quân và dân cả nước trong ngày toàn thắng.

Nhà báo HỒNG PHƯƠNG (Nguyên Trưởng phòng biên tập Quân sự Báo QĐND, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dau-an-tong-bien-tap-nguyen-dinh-uoc-thoi-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-640855