Dấu ấn trên quê hương Bình Phước
Nghệ nhân - Kỷ lục gia Trương Đình Chiếu (thứ 2 từ trái qua) chụp hình lưu niệm với ê-kíp thực hiện chương trình Dấu ấn tài hoa
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu (SN1962) sinh ra và lớn lên ở TP. Hồ Chí Minh. Từ nhỏ, ông đã mê chơi đàn nên được gia đình cho đi học tại nhạc viện. Với năng khiếu bẩm sinh cùng sự kiên trì rèn luyện, ông Chiếu không chỉ giỏi đàn piano mà còn có thể sử dụng thành thạo 100 loại nhạc cụ và phối khí cùng lúc 10 loại nhạc cụ khác nhau. Ngoài ra, ông còn có thể uống nước, ăn chuối khi biểu diễn. Năm 2012, nghệ nhân Trương Đình Chiếu được Trung tâm UNESCO Văn hóa thông tin truyền thông công nhận là người có thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc tại Việt Nam.
Tuy biết nhiều loại nhạc nhưng ông Chiếu đặc biệt tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Vì vậy, ông chuyên tâm tìm hiểu nhiều hơn về đàn đá. Hơn 10 năm qua, ông Chiếu rong ruổi khắp mọi miền đất nước, tìm kiếm các loại đá phát ra âm thanh để chế tác thành nhạc cụ...
Bắt đầu từ những hòn đá
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu cho biết: Năm 2017, trong một chuyến du lịch cùng bạn bè, tình cờ tôi phát hiện cụm đá cây phát ra âm thanh độc đáo trong rẫy của người dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Tôi đã mua về nghiên cứu và chế tác bộ đàn đá đầu tiên, nặng hơn 5 tấn để tặng Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (TP. Cần Thơ).
“Tôi cho rằng, mọi việc đều hữu duyên, tôi có duyên với đá và bắt đầu từ những hòn đá kêu của người nông dân Bình Phước. Tôi mến con người và yêu văn hóa truyền thống của đồng bào nơi đây nên mong muốn gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc”.
Nghệ nhân Trương Đình Chiếu
Từ đó đến nay, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã chế tác thành công hơn 200 bộ đàn đá các loại. Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc và làm lan tỏa đến cộng đồng, nghệ nhân đã tặng tất cả bộ đàn đá do mình chế tác đến nhiều địa phương trong cả nước.
Với Bình Phước, nghệ nhân đã tặng 3 bộ đàn đá cho Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, trong đó có bộ đàn đá lớn nhất Việt Nam. Sau khi tặng đàn đá, nghệ nhân còn hướng dẫn, dạy miễn phí cách sử dụng đàn đá cho thanh niên dân tộc S’tiêng tại sóc Bom Bo. Đến nay, các học viên đã có thể đánh thành thạo bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” bằng đàn đá.
Từ khi có 3 bộ đàn đá do nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có thêm điểm nhấn, thu hút đông du khách mọi miền tới tham quan và tìm hiểu.
...và hành trình “Bình Phước mãi trong lòng ta”
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Tổ chức UNESCO tổ chức “Hành trình xuyên Việt” về với Mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Chiếu vinh dự được mời làm đại sứ chương trình. Ông thấy chương trình rất có ý nghĩa, nhất là những hành trình về với mẹ để trao tặng những phần quà mặc dù không lớn nhưng rất ý nghĩa và đầm ấm. Thế nên ông cùng cộng sự có nhiều hành động thiết thực hơn để báo đáp ơn nghĩa của Mẹ Việt Nam anh hùng; chăm lo gia đình thương binh - liệt sĩ, tri ân đồng đội; “truyền lửa” cho thế hệ thanh niên tiếp bước truyền thống hào hùng của ông cha ta. Vì vậy, ông cùng gia đình đã duy trì và tham gia chương trình “Hành trình xuyên Việt” trong 8 năm qua. Năm 2020, ông Chiếu cùng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam - phía Nam thực hiện hành trình “Bình Phước mãi trong lòng ta”.
Với hành trình “Bình Phước mãi trong lòng ta”, ông và đoàn văn nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh cùng Ban tổ chức đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm, tri ân nhiều gia đình chính sách, có công với cách mạng; động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các đồn biên phòng, tặng quà con em đồng bào dân tộc thiểu số và dự lễ khánh thành bia tưởng niệm tại đền thờ Bá Rá, thị xã Phước Long. Ông Chiếu cũng là một trong những nhà từ thiện đóng góp xây dựng bia tưởng niệm bằng đá khắc ghi danh các liệt sĩ tại đền thờ Bà Rá.. Đồng hành với ông trong “Hành trình xuyên Việt” hằng năm, tiến sĩ Lê Hồng Liêm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam - phía Nam cho biết: Gia đình của nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu giàu truyền thống cách mạng, luôn mong muốn đem nghệ thuật lan tỏa tới nhân dân vùng sâu, xa. Nghệ nhân luôn có mặt trong các chương trình thiện nguyện, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Không chỉ một mình nghệ nhân mà có cả vợ, con ông cũng có mặt, góp phần thành công của các chương trình về nguồn.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dau-an-tren-que-huong-binh-phuoc-25549