Đấu giá biển số ô tô: Nên nâng mức tiền đặt cọc

Biển số ô tô là loại 'tài sản đặc biệt', nó là 'cuộc chơi' của những người có sở thích và có tiền, nếu chỉ dừng ở mức tiền cọc 40 triệu đồng là còn thấp.

Cuối tuần qua, sau gần một tháng khắc phục sự cố kỹ thuật, phiên đấu giá biển số ô tô đã diễn ra. Người theo dõi phiên đấu giá không khỏi ngỡ ngàng với số tiền không tưởng cho các biển số ngũ quý 5, ngũ quý 8 của “cuộc chơi” giành cho người có sở thích biển số đẹp và có điều kiện kinh tế bỏ ra để có nó.

Nói những người bỏ ra số tiền không tưởng là không quá bởi biển số 51K-888.88 (TP.HCM) có người trúng đấu giá với số tiền lên tới 32,34 tỉ đồng, còn biển số 31K-555.55 (Hà Nội) thì có người đặt giá 14,1 tỉ đồng. Những biển số ít đẹp hơn như 15K-188.88 (Hải Phòng) cũng có giá 650 triệu đồng. Với 11 biển số siêu đẹp đưa ra đấu giá ngày 15-9, tổng số tiền dự kiến thu về cho ngân sách hơn 82 tỉ đồng.

Với những người xem biển số xe chỉ là biển số xe thì số tiền trúng đấu giá ở trên là con số khủng, còn với những người thích biển số đẹp thì đó có thể là con số chấp nhận được.

Và câu chuyện số tiền “điên rồ” cho những biển số siêu đẹp của cuộc bán đấu giá trở thành đề tài để bàn luận trong các quán cóc, bàn nhậu với nhiều suy đoán khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng chứng minh rằng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền tỉ, thậm chí cả chục tỉ để có biển số đẹp. Thực tế, trước đây đã từng có một số cán bộ bị kỷ luật hoặc vướng lao lý vì trục lợi, mua bán biển số.

Vấn đề ở đây là vì nhiều lý do, người trúng đấu giá rồi bỏ, không nộp tiền thì họ có bị chế tài gì không? Theo nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm biển số ô tô và Nghị định 39/2023, trong thời hạn 15 ngày nhận thông báo mà người trúng đấu giá không nộp tiền thì biển số sẽ được thu hồi; sau khi nộp tiền, trong thời hạn tối đa 18 tháng (cả trường hợp bất khả kháng) người trúng đấu giá phải làm thủ tục đăng ký ô tô để được gắn biển số trúng đấu giá, nếu không thực hiện thì biển số sẽ được thu hồi để tiếp tục đưa ra bán.

Việc “hủy kèo” như trên, theo Luật Đấu giá tài sản, người trúng đấu giá chỉ mất 40 triệu đồng “tiền cọc” và ngoài ra không chịu bất kỳ hình thức chế tài nào, kể cả việc tham gia vào cuộc đấu giá tiếp theo.

Vậy nên nhiều người suy đoán rằng sẽ có người chịu mất 40 triệu đồng tiền cọc để phá, trong đó có lý do ấm ức không mua được biển số cực hiếm với giá mong muốn, để có cơ hội mua ở lần đấu giá sau.

Cũng với suy đoán đó, giả sử những người trúng 11 biển số “siêu đẹp” đồng loạt không nộp tiền thì ngân sách chỉ thu được 440 triệu đồng, điều này liệu có đủ bù đắp chi phí cho việc tổ chức đấu giá? Bởi việc đầu tư cả hệ thống quản lý đấu giá biển số ô tô gồm phần mềm, hạ tầng và đường truyền được thiết kế chuyên biệt để phục vụ công tác quản lý đấu giá biển số ô tô cùng hệ thống giám sát, tổ chức của công ty đấu giá... chắc chắn số tiền không phải nhỏ.

Con số 40 triệu đồng là không nhỏ với nhiều người nhưng biển số ô tô là loại “tài sản đặc biệt”, nó là “cuộc chơi” của những người có sở thích và có tiền, nếu chỉ dừng ở mức tiền cọc 40 triệu đồng là còn thấp.

Vì vậy thiết nghĩ nên nâng mức tiền đặt trước để có thể bù đắp chi phí, nhằm ngăn ngừa khi lỡ xảy ra chuyện “phá đám” thì Nhà nước còn thu hồi chi phí đã bỏ ra.

Bởi việc hét giá trên trời rồi bỏ không phải hiếm. Trong vụ đấu giá bốn lô đất vàng ở TP.HCM diễn ra gần đây là một ví dụ. Các đơn vị đồng ý mua với giá hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng sau đó bỏ cọc, gây nhiều hệ lụy nhưng hành vi này không bị chế tài gì, ngoài chuyện mất tiền cọc.

Hy vọng những vấn đề “quân xanh, quân đỏ”, bỏ giá trên trời rồi hủy kèo, dìm giá... sẽ được ràng buộc chặt chẽ hơn để đảm bảo tính hiệu quả khi vận hành cơ chế mới này.

VI TRẦN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dau-gia-bien-so-o-to-nen-nang-muc-tien-dat-coc-post751897.html