Đau giật nửa mặt đến mức 'chết đi sống lại', chỉ cần 30 phút điều trị
Hậu quả của cơn đau giật nửa mặt nhẹ thì mất thẩm mỹ vì mặt mất cân đối, nặng thì biến dạng mặt, nhưng bây giờ chỉ sau 30 phút có thể điều trị được hiệu quả.
Đột nhiên đau giật nửa mặt
Chị Lê Thị Hường (Nghĩa Đô, Hà Nội) đang làm việc bỗng thấy đau nhói bên má, cơn đau dội lên nửa vùng mặt trái. Chị xoa má một lúc thì hết, nhưng chẳng bao lâu lại dội lên, cơn đau ngày càng dày, giật hết cả nửa mặt rất khó chịu khiến chị phải về sớm để đi khám chuyên khoa thần kinh.
Bác sĩ bảo chị bị đau giật nửa mặt (còn gọi là đau dây thần kinh V) là do tổn thương kích thích một phần trong các nhánh của dây thần kinh chi phối cảm giác vùng mặt. Bác sĩ cho đơn thuốc về uống và khuyên chị cố gắng ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, sinh hoạt điều độ.
Có những trường hợp không may mắn vì khi bị đau giật nửa mặt cứ nghĩ là đau răng, và bị nhổ oan mấy cái răng không hết đau nhức mới đến bệnh viện chuyên khoa điều trị.
Theo TS. BS Minh Anh (BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh), đặc điểm đau dây thần kinh V (còn gọi là đau dây thần kinh tam thoa, đau giật mặt, đau mặt, bệnh Fothergill, đặc biệt có tên gọi "bệnh tự sát" vì nhiều người đau tới mức muốn tự tử), là tình trạng các cơ trên mặt bị co giật bất thường, bắt đầu ở vùng quanh mắt và lan rộng ra cả nửa mặt.
Đau dây thần kinh V nguyên phát đặc trưng là đau đột ngột, cơn ngắn vài giây đến vài chục giây, có chu kỳ. Tính chất đau như cắt, đau chói, đau như điện giật, thỉnh thoảng có cảm giác bị nghiền, xé (ít khi gặp dạng đau nóng bỏng), có thể xảy ra bất kỳ vùng chi phối cảm giác nào của dây thần kinh V trên khuôn mặt. Hay gặp là nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới với biểu hiện đau buốt răng hàm - nên nhiều người bị chẩn đoán nhầm là đau răng).
Thời gian đau vài giây, tần suất cơn đau quyết định độ nặng, nhẹ của bệnh. Cơn đau điển hình thường là cơn cấp tính trong phạm vi chi phối của dây thần kinh số V (nhánh I vùng mắt, nhánh II vùng hàm trên, nhánh III vùng hàm dưới). Cơn đau kèm theo co giật cơ mặt, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, nước mũi. Đau giật nửa mặt thường gặp ở:
- Cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng trên 90% bị mắc sau 40 tuổi.
- Phụ nữ bị đau giật nửa mặt nhiều hơn so với nam giới.
- Người có tăng huyết áp, xơ cứng mảng rải rác cũng có thể là những yếu tố nguy cơ.
Khi cơn đau nhiều có thể gây co thắt nửa mặt, khiến bệnh nhân phải ôm mặt đau đớn. Cơn đau thường xuất hiện sau những kích thích về cảm giác như sờ, chạm vào mặt, ngáp, nói, đánh răng, nhai thức ăn, gió thổi vào mặt, bị lạnh ở mặt, cạo râu... và kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Có những vùng trên mặt sờ vào sẽ gây đau (còn gọi là "điểm mổ cò"). Giữa các cơn đau thì không thấy triệu chứng gì.
Làm thế nào với cơn co giật nửa mặt?
Nguyên nhân gây đau giật nửa mặt chưa rõ, nhưng các bác sĩ chuyên môn hay gặp nhất là do mạch máu ở thân não chèn ép lên dây thần kinh. Hoặc nguyên nhân hiếm gặp khác như nhiễm trùng, đột quỵ, hoặc đôi khi là co giật nửa mặt vô căn (không rõ nguyên nhân).
Lúc đầu xuất hiện các cơn co giật nhẹ ở xung quanh mắt (cơ vòng mi), nửa mặt bên trái thường bị nhiều hơn nửa mặt bên phải. Các cơn co giật theo từng đợt và dần nặng hơn, diễn ra liên tục và lan rộng sang cơ mày, cơ má, cơ vòm miệng khiến khóe mắt, góc miệng bị kéo chếch lên phía trên…
Hậu quả cơn đau giật nửa mặt thì nhiều, nhẹ cũng gây khó chịu, làm khuôn mặt mất cân đối thẩm mỹ, mất tự tin, ảnh hưởng tới ăn uống, nói năng. Cơn co giật nặng có thể gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của bệnh nhân, còn làm mắt bệnh nhân chếch lên phía trên, ảnh hưởng đến tầm nhìn và dễ bị viêm nhiễm. Đối với một số người cơn co giật mặt có thể nặng hơn khi đang mệt mỏi, căng thẳng.
Thủ thuật 30 phút bệnh nhân khỏi bệnh
Y học điều trị chứng co giật cơ nửa mặt bằng thuốc, hoặc phẫu thuật. Trường hợp co giật nửa mặt nhẹ, hoặc không thường xuyên thì tùy tình trạng bệnh mà bác sĩ chỉ định uống thuốc để ổn định xung động thần kinh, giảm nhẹ triệu chứng.
Trường hợp bệnh nặng bác sĩ sẽ cho dùng thuốc tiêm làm tê liệt các cơ mặt và ngừng co giật (tỉ lệ hiệu quả từ 85 - 95%). Các tác dụng của thuốc sẽ mất đi sau 3 - 6 tháng (và cần được theo dõi thường xuyên vì có một số tác dụng phụ, nhưng sẽ biến mất sau một thời gian ngắn).
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân dùng thuốc không hiệu quả, là phương pháp có xâm lấn nhưng kết quả nhanh và lâu dài. Trong số đó có một thủ thuật gọi là giải ép vi mạch rất hiệu quả, hợp với người trẻ tuổi và những người đang ở giai đoạn đầu của bệnh. Nhưng đôi khi phẫu thuật không thích hợp với một số bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh lý nội khoa không cho phép gây mê toàn thân. Hầu hết sau phẫu thuật bệnh nhân hết co giật, có lại thẩm mỹ cho khuôn mặt, tin giao tiếp và làm việc bình thường.
Khi bệnh nhân không còn đáp ứng các phương pháp điều trị trên, thì diệt hạch qua da là giải pháp để cắt cơn đau cho người bệnh. Theo Tiến sĩ Bùi Văn Giang (BV đa khoa Xanh Pôn), 2 năm qua khoa Chẩn đoán Hình ảnh (BV Đa khoa Xanh Pôn) đã tiến hành điều trị cơn đau giật nửa mặt cho nhiều bệnh nhân bằng phương pháp diệt hạch dây V. Kỹ thuật này thực hiện dưới máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, bác sĩ chọc kim vào đúng vị trí hạch dây V rồi tiêm cồn, hoặc đốt nhiệt bằng sóng cao tần. Thời gian thực hiện thủ thuật khoảng 30 phút, và ngay sau khi kết thúc bệnh nhân có thể ngồi dậy đi lại, ăn uống bình thường, hôm sau ra viện.
Phương pháp điều trị này mang lại kết quả tốt, giảm đau hoàn toàn ngay sau can thiệp đạt trên 90%, chỉ khoảng 10% bệnh nhân còn đau nhưng mức độ ít, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, hiệu quả tốt. Tuy kỹ thuật thực hiện ngắn, nhưng bác sĩ cần có hiểu biết sâu về bệnh lý, kinh nghiệm tay nghề cao, cùng với máy móc hiện đại mới làm được.
Cơn đau giật nửa mặt tuy không đe dọa tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và tinh thần của người bệnh. Vì vậy khi có các dấu hiệu co giật nửa mặt thì nên đến khám chuyên khoa ngoại thần kinh sớm để được điều trị kịp thời.
Đề phòng ngừa cơn co giật nửa mặt:
- Nên duy trì lối sống lành mạnh
- Thường xuyên luyện thể dục thể thao
- Giữ tâm lý thoải mái, luyện tập thêm thiền, yoga.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
- Tránh stress, tức giận cũng có thể gây khởi phát cơn co giật nửa mặt hoặc làm bệnh trầm trọng hơn.