Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm HIV sớm có biện pháp hỗ trợ
Căn bệnh thế kỷ HIV không chỉ gây ảnh hưởng tới người lớn mà còn đang cướp đi tương lai và sinh mạng của nhiều trẻ em. Trong khi đó, việc chẩn đoán sớm HIV ở trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức.Vậy làm thế nào để biết được trẻ có bị nhiễm HIV?
Nhận biết từ triệu chứng HIV ở trẻ em
Bệnh nhi nhiễm HIV thường có biểu hiện đa dạng. Các triệu chứng sớm thường gặp ở trẻ nhiễm HIV có thể kể đến:
- Biểu hiện trên toàn cơ thể: trẻ sụt cân, chậm lớn (chậm đạt các mốc phát triển cơ bản), hay bị sốt, co giật, mất nước, thiếu máu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, gan lách to.
- Bệnh lý ở phổi: trẻ mắc các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp kéo dài, mắc hội chứng ngón tay dùi trống không giải thích được, cảm cúm kéo dài, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi.
- Vùng đầu – mặt – cổ: trẻ bị não nhỏ không rõ nguyên nhân, viêm lợi mãn tính thứ phát sau nhiễm virus Herpes, nấm miệng và loét miệng, viêm tai giữa hoặc viêm xoang nặng.
- Bệnh về da: trẻ HIV thường bị nhiễm virus u nhú lan tỏa, u nhầy lan tỏa, viêm nang lông tái phát, ban sẩn ngứa, chàm hoặc viêm da bã nhờn nặng.
- Bệnh về thần kinh: bé bị chậm phát triển trí tuệ hoặc mất các mốc phát triển, tình trạng co cứng không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán và điều trị HIV cho trẻ
Một trong ba con đường chính (chiếm 25 – 40%) làm lây truyền HIV/AIDS là từ mẹ sang con. Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 bà mẹ có HIV khi mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Còn nếu được điều trị dự phòng, chỉ có khoảng 5 trẻ bị HIV.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người. Trong đó, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (chiếm 50,2%), phát hiện 1.108 người nhiễm HIV. Nhờ sự phát triển của công tác chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh hoàn toàn nếu người mẹ sớm dùng thuốc kháng virus ARV và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của các cán bộ y tế.
Ngoài ra, thuốc kháng HIV cũng giúp bảo vệ sức khỏe cho thai phụ. Nếu phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV trong 3 tháng đầu của thai kỳ, được uống thuốc sớm và tuân thủ nguyên tắc điều trị, xét nghiệm máu 3 – 6 tháng/lần, tải lượng virus dưới 200 bản sao thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang con sẽ rất thấp (chỉ 2 – 6%).
Nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm rất cao ở những trẻ nhiễm HIV. Vì thế trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV cần được chẩn đoán sớm (4 – 6 tuần tuổi) để được điều trị và chăm sóc kịp thời. Việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh cũng giúp cha mẹ lựa chọn việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa thay thế và hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho trẻ khác trong cộng đồng.
Về việc điều trị: trẻ sinh ra từ mẹ có HIV cần được điều trị dự phòng bằng Co-trimoxazole. Việc sử dụng thuốc bắt đầu từ khi trẻ được 4 - 6 tuần tuổi và kéo dài cho đến khi trẻ được 5 tuổi. Bên cạnh đó, phụ huynh còn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để biết cách chăm sóc, điều trị trẻ nhiễm HIV đúng cách.
Cách chăm sóc trẻ nhiễm HIV
Hàng ngày trẻ nhiễm HIV cần được tắm, vệ sinh thật sạch để đề phòng nhiễm trùng da, không để xây xước. Sau khi rời bệnh viện về gia đình, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận trong môi trường vệ sinh sạch sẽ, an toàn, không khói thuốc lá, khói than, không nuôi vật nuôi trong nhà. Quần áo mặc cần thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Sau khi trẻ đại tiện và vệ sinh xong cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên dùng vải mềm, sạch nhúng nước sạch, lau sạch răng, lợi và miệng sau ăn. Nếu trẻ bị tưa miệng, có thể đánh tưa bằng mật ong, nước vò lá rau ngót. Nếu tái phát hoặc không khỏi trong 1 đến 2 tuần cần đưa trẻ đến bệnh viện. Với trẻ trên 3 tuổi cần đánh răng buổi sáng, sau ăn và trước khi ngủ. Mỗi năm hai lần cho trẻ đi khám răng miệng. Dấu hiệu đầu tiên của trẻ nhiễm HIV có thể là những vết đau ở miệng, cần báo cho bác sĩ nha khoa để trẻ được thăm khám kịp thời.
Hàng tháng cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, thăm khám và xét nghiệm để phát hiện, điều trị dự phòng các biểu hiện sớm.
Người chăm sóc và vệ sinh cho trẻ phải được huấn luyện cách phòng lây nhiễm HIV/AIDS như: Xử lý các dịch tiết hoặc máu bị dây bẩn, vệ sinh quần áo trẻ (ngâm trong nước javen hoặc luộc sôi trước khi giặt); sử dụng găng tay, áo choàng, khẩu trang... khi tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của trẻ, đặc biệt là khi thay răng sữa hoặc các vết thương chảy máu.
Ngoài ra, cần phải cho trẻ thăm khám kịp thời khi thấy những triệu chứng sốt, ho, thở nhanh, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh, xuất hiện những đốm trắng hay những vết đau trong miệng, xuất hiện những mụn không biến mất, đi ngoài phân có máu, tiêu chảy, nôn mửa, sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh lây khác. Hàng tháng cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, thăm khám và xét nghiệm để phát hiện, điều trị dự phòng các biểu hiện sớm của nhiễm trùng cơ hội.
Trẻ nhiễm HIV cần nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn trẻ bình thường. Người thân nên dành nhiều thời gian chơi, nói chuyện, ôm ấp, giúp trẻ có đời sống tình cảm đầy đủ.