Đấu kiếm Việt Nam nỗ lực vượt khó

Đấu kiếm được biết đến là môn thể thao quý tộc, đầu tư tốn nhiều chi phí và kén người chơi. Đứng trước khó khăn về tài chính, lực lượng, đấu kiếm Việt Nam đang nỗ lực thay đổi để vượt khó.

Hiện nay, trên cả nước có 8 đơn vị đầu tư cho môn đấu kiếm gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Công an và Bắc Ninh. Số lượng trên được xem là tương đối ít so với tiềm năng của đấu kiếm Việt Nam. Tất nhiên, đầu tư cho môn đấu kiếm thực sự tốn kém với các trang thiết bị tập luyện tốn tiền tỷ mỗi năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một thanh kiếm đạt chuẩn quốc tế có giá dao động từ 5 đến 8 triệu đồng. Nhưng hầu hết các VĐV đấu kiếm Việt Nam thường tập luyện với kiếm chỉ vài trăm ngàn đồng, dẫn đến thực trạng kiếm dễ bị mẻ, gẫy. Ông Phùng Lê Quang, quản lý bộ môn đấu kiếm (Tổng cục Thể dục Thể thao) cho biết: “Bộ môn đấu kiếm đã tạo điều kiện tối đa để các địa phương phát triển môn này, nhưng vấn đề về kinh phí vẫn là khó khăn lớn nhất. Đấu kiếm là bộ môn tốn kém, việc kêu gọi nguồn xã hội hóa cũng không phải dễ”.

Trong các đơn vị kể trên, Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển môn thể thao quý tộc này với dàn lực lượng VĐV ở cả 3 tuyến (đội 1, đội 2, đội năng khiếu). Với lực lượng hùng hậu nên việc Hà Nội thường xuyên dẫn đầu ở các giải đấu kiếm quốc gia những năm qua là điều không bất ngờ. Dù vậy, sự phát triển khá chênh lệch giữa các địa phương là không thật sự tốt cho đấu kiếm Việt Nam. Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết: “Chúng tôi mong muốn có nhiều địa phương hơn phát triển môn thể thao này để tạo động lực, sự cạnh tranh cho chính các kiếm thủ Hà Nội. Việc Hà Nội thường xuyên dẫn đầu toàn đoàn tại các giải đấu kiếm quốc gia cũng chưa hẳn đã mang đến những nét tích cực cho đấu kiếm Việt Nam”.

 Đấu kiếm Việt Nam gặp khó về kinh phí, lực lượng. Ảnh: TTXVN.

Đấu kiếm Việt Nam gặp khó về kinh phí, lực lượng. Ảnh: TTXVN.

Dù nhận được đầu tư lớn những năm qua nhưng đấu kiếm Hà Nội không phải là không gặp khó khăn, nhất là về trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu. Hiện tại, đấu kiếm Hà Nội vẫn đang phải sử dụng nguồn kiếm tập luyện từ các năm trước do chưa thể mua mới vì những vấn đề về thủ tục. Trong khi đó, ở các đơn vị khác thì phong trào đấu kiếm đang dần chững lại, đặc biệt là Hải Phòng và Hải Dương. Không chỉ thiếu trang thiết bị tập luyện, việc tuyển chọn VĐV năng khiếu ở các địa phương là rất khó khăn.

Đứng trước thực trạng các đơn vị phát triển môn đấu kiếm không đồng đều, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất đưa các nhóm phân môn của đội tuyển đấu kiếm trẻ quốc gia về tập luyện tại các đơn vị đang gặp khó khăn. Ông Tuấn cho biết: “Trước đây, đội tuyển đấu kiếm trẻ quốc gia tập trung ở một nơi. Nhưng nay, vì sự phát triển bền vững của phong trào đấu kiếm thì các nhóm phân môn của đội tuyển có thể đến tập luyện, ăn ở tại các địa phương. Đây là cách để nâng cao trình độ cho VĐV địa phương đồng thời cũng giúp các nhà quản lý địa phương nhìn nhận rõ hơn về vị thế, tiềm năng phát triển của môn đấu kiếm”.

Việc đưa VĐV trẻ môn đấu kiếm về địa phương tập luyện được xem là phương án mang tính chiến lược. Vấn đề là phía quản lý bộ môn tại Tổng cục Thể dục Thể thao cần tính đến và nhanh chóng đưa ra quyết định. Một giải pháp khác cũng được tính đến là đấu kiếm Việt Nam phải duy trì thành tích tại sân chơi Đông Nam Á và có VĐV tham dự Olympic, qua đó khẳng định vị thế trong làng thể thao Việt Nam, kích thích các địa phương duy trì và phát triển môn đấu kiếm. Muốn được như vậy, các VĐV trọng điểm phải thường xuyên được tạo điều kiện thi đấu quốc tế. Tuy vậy, đây lại là vướng mắc của đấu kiếm Việt Nam trong thời gian qua, khiến cơ hội giành vé dự Olympic 2020 (diễn ra vào năm 2021) vẫn chưa rõ ràng.

Thực tế, những nhà quản lý, Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia cũng muốn đầu tư nhiều hơn cho số VĐV trọng điểm nhưng mức kinh phí của Tổng cục Thể dục Thể thao cũng như các địa phương có hạn. Trong khi tại các đơn vị, nguồn tuyển chọn VĐV năng khiếu ngày càng hạn chế bởi nhiều em dù có tố chất nhưng không lựa chọn đấu kiếm bởi lo lắng cho tương lai nếu theo môn thể thao quý tộc này.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/dau-kiem-viet-nam-no-luc-vuot-kho-623058