Đâu là rào cản khiến người nghiện bỏ dở điều trị Methadone?
Sau hơn 10 năm triển khai điều trị Methadone tại Việt Nam, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp trong nhóm bệnh nhân điều trị, giúp ổn định tâm lý và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2019, Việt Nam tiếp tục triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, việc triển khai 2 chương trình đang gặp phải những rào cản khiến người nghiện bỏ dở điều trị.
Giảm tỷ lệ nhiễm HIV và giảm sử dụng ma túy
Mặc dù thời gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn do một số người bệnh không uống thuốc theo lịch, hoặc điều trị một thời gian rồi bỏ, nhưng đến hết tháng 9/2020, trên toàn quốc có 52.440 bệnh nhân Methadone tại 340 cơ sở điều trị và 232 cơ sở cấp phát thuốc. Chương trình Buprenorphine hiện đang điều trị cho 600 bệnh nhân tại 8 tỉnh/thành phố.
Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, trong hơn 10 năm triển khai, chương trình Methadone đã mang lại hiệu quả về y tế, kinh tế, xã hội. Kết quả này tương đồng với thế giới và củng cố thêm đánh giá Methadone là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Theo PGS Long, bệnh nhân giảm hành vi tiêm chích ma túy từ đó dẫn đến giảm lây nhiễm HIV. Ngoại trừ 5 tỉnh/TP ghi nhận 1 trường hợp nhiễm HIV mới, các tỉnh/TP báo cáo không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số bệnh nhân điều trị. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện các chất ma túy giảm từ khoảng 30% năm 2001-2002 xuống còn 9,5% năm 2016 và tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 10.000 ca năm 2015.
Theo kết quả từ các nghiên cứu do Bộ Y tế và các tỉnh/TP thực hiện thời gian qua đều ghi nhận hiệu quả của điều trị Methadone trong việc làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Điển hình, trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,8%; trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 93,6% bệnh nhân sử dụng trên 3-5 lần/ngày, tuy nhiên sau 24 tháng điều trị không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.
Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm mạnh, bình quân giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 2 năm tham gia điều trị Methadone.
Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, điều trị Methadone còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho cá nhân, gia đình bệnh nhân và xã hội. Theo ước tính, nếu không tham gia điều trị Methadone, trung bình một người nghiện tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (84 triệu đồng/năm). Như thế, với hơn 52.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone, chương trình đã tiết kiệm được cho xã hội 4.372 tỷ đồng/năm (nếu tính từ thời điểm thí điểm năm 2008 cho đến nay, chương trình đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 22.870 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ).
Khó khăn khi triển khai tiếp
Yên Bái hiện có 1.000 bệnh nhân đang điều trị Methadone. Theo một cán bộ y tế, thời gian đầu điều trị, người bệnh đến lấy thuốc và uống đều đặn, đầy đủ. Sau có một số người bỏ dở vì họ sống ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên ngại đến cơ sở y tế lấy thuốc.
Tương tự, với bệnh nhân điều trị Buprenorphine ở 8 tỉnh miền núi cũng thế. Có người nhà ở thôn cách xa 20-30km, từ xã đến huyện có khi 50-70km, nên để đều đặn tuần 2-3 buổi đến huyện uống thuốc Buprenorphine đã khó khăn rồi, chưa nói tới hằng ngày phải đến cơ sở điều trị để sử dụng thuốc Methadone càng khó khăn gấp bội. Bên cạnh đó, còn có nhiều người đi làm ăn xa, nên việc bỏ điều trị là rất cao. Đây là một trong những rào cản lớn đối với việc tiếp cận và duy trì điều trị hiện nay.
Đến nay đã có 37/63 tỉnh/TP thu phí điều trị Methadone và được các bệnh nhân chấp nhận. Tuy nhiên, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, qua nghiên cứu và báo cáo của một số địa phương cho thấy, thu phí cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bỏ trị của bệnh nhân, nhất là bệnh nhân tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đa số là người nghèo và điều kiện sống khó khăn.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, nhân lực hiện nay của các cơ sở điều trị hầu như đều quá tải, đa phần là kiêm nhiệm. Ngoài ra, cán bộ phải làm việc liên tục không có ngày nghỉ, trong môi trường căng thẳng, độc hại, nhiều khi còn bị bệnh nhân uy hiếp, đe dọa. Thiếu các chế độ để khuyến khích, thu hút và giữ chân các cán bộ nhân viên có năng lực, dẫn đến sự thay đổi nhân sự liên tục và ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Tỷ lệ thay đổi nhân sự trong 12 tháng qua là 43,2%, tỷ lệ cán bộ có kinh nghiệm dưới 1 năm chiếm tới 59,9%, mặc dù chương trình đã được triển khai từ năm 2008 cho tới nay.
“Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện đến nay vẫn được đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận chương trình của người nghiện ma túy, dẫn đến họ còn ngại lộ diện để tiếp cận điều trị”, PGS Long nói. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có người nghiện mới, người tái nghiện đã chưa chủ động động viên, khuyến khích họ tham gia điều trị Methadone.
Để hiện thực hóa mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy theo chỉ đạo của Chính phủ, theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, tới đây cần đổi mới và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, nhất là về hiệu quả và tác động của chương trình, tạo đồng thuận xã hội để góp phần giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện, để từ đó họ lộ diện và tiếp cận dịch vụ điều trị. Ông Long cũng cho biết, tới đây tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình, nhất là tại các địa phương trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Cùng với đó, cần thí điểm việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày tại một số tỉnh, thành phố làm cơ sở để nhân rộng ra toàn quốc.