Dấu mốc 10 năm của nhà lãnh đạo Triều Tiên cùng loạt thông điệp mới
Bước sang năm 2022, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang gửi đi hàng loạt tín hiệu tới thế giới.
Từ ngày 27-31/12/2021, Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) lần thứ 8 đã diễn ra. Chủ tịch Kim Jong-un đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Sự kiện không giống bình thường
Đây là Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 11 dưới thời ông Kim Jong-un và lần thứ 4 chỉ tính riêng trong năm nay, một điều có thể coi là không giống bình thường. Đây cũng là hội nghị đánh dấu kỷ niệm 10 năm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nắm quyền chỉ huy quân đội tối cao sau khi cha ông, ông Kim Jong Il, qua đời năm 2011.
Trên thực tế, là nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un coi việc đến thăm thực địa để chỉ ra các vấn đề, phân công nhiệm vụ và động viên người dân nhằm làm gương cho mọi người là một hoạt động chính trị quan trọng. Trước khi diễn ra dịch Covid-19, có thể dễ dàng theo dõi các chuyến thăm thực địa của ông Kim Jong Un trên truyền thông nước này.
Trong bối cảnh các chuyến thăm thực địa gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các phiên họp của Đảng Lao động Triều Tiên đã trở thành dịp để Chủ tịch Kim Jong Un nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra chỉ thị để người dân thấy được nỗ lực của nhà lãnh đạo. Vì vậy, cùng với Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng, các phiên họp khác như cuộc họp Bộ Chính trị, cũng được ông Kim tổ chức thường xuyên để giải quyết các vấn đề quan trọng cũng như trực tiếp trao đổi với các quan chức. Dưới thời ông Kim Jong-un, việc quản lý Nhà nước qua các phiên họp như vậy đã trở thành thông lệ.
Bên cạnh đó, kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, các chính sách quan trọng của Triều Tiên đều được quyết định trong các Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng. Ví dụ, Bình Nhưỡng đã đưa ra đường lối phát triển kinh tế cùng vũ khí hạt nhân tại Hội nghị toàn thể lần thứ 23 Ủy ban trung ương đảng khóa 6 vào tháng 3/2013. Tại Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng khóa 7 vào tháng 4/2018, Triều Tiên đã cam kết tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế. Và trong năm nay, khi ông Kim lần thứ ba liên tiếp không đưa ra bài phát biểu năm mới riêng biệt, mọi sự chú ý đều dồn vào hội nghị năm nay và các thông điệp ông Kim đưa ra tại hội nghị này để nhận được những thông điệp từ Triều Tiên về những phương hướng chính sách mới của năm tới, đặc biệt là mối quan hệ liên Triều và quan hệ của họ với Mỹ.
Trọng tâm bất ngờ vào kinh tế
Bước vào năm cầm quyền thứ 10, Chủ tịch Kim Jong-un đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm đầy tham vọng vào đầu năm nay. Và tại Hội nghị toàn thể lần này, kết quả tiến hành kế hoạch phát triển kinh tế và phương hướng cùng những nhiệm vụ mới cho năm thứ hai của kế hoạch cũng đã được chú trọng.
Theo truyền thông Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nói rõ rằng ông sẽ đặt ưu tiên chính sách năm 2022 vào việc phát triển nền kinh tế quốc gia, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tự cung tự cấp, và tăng cường các nỗ lực chống virus corona.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết: "Công tác phòng chống dịch khẩn cấp nên được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động nhà nước và đây là công việc quan trọng nhất cần được tiến hành mạnh mẽ". Triều Tiên đã thực hiện việc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Về kinh tế, Bình Nhưỡng cũng đã triển khai một loạt các biện pháp để phát triển ngành nông nghiệp, một phần trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lương thực suốt thời gian dài.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, Triều Tiên được ước tính sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn lương thực mỗi năm. Và việc đóng cửa biên giới do virus corona được cho là đã gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, khác với mọi năm, Triều Tiên đã không đưa cho thế giới bên ngoài nhiều manh mối về các chính sách quan trọng liên quan đến quan hệ liên Triều và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ. Dù đề cập đến quyết tâm tiếp tục củng cố năng lực quân sự đất nước, trong bối cảnh an ninh có nhiều bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tình hình quốc tế, các vấn đề về đối thoại liên Triều và quan hệ với Mỹ chỉ được hiện diện bằng các cụm từ "các vấn đề cơ bản" và "định hướng chiến thuật" mà không nêu chi tiết. Tín hiệu này có thể cho thấy Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục các "đường lối chính sách hiện tại ", trong khuôn khổ kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm, được đưa ra tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 tháng 1/2021.
Như vậy, hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên lần này và những thông điệp đưa ra sau hội nghị đều thể hiện nhiều tín hiệu mới. Có thể thấy trong bối cảnh phải chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh và các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, vấn đề kinh tế ngày càng được Triều Tiên chú trọng. Đây cũng là vấn đề rất cần thiết để thể hiện và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong Un trong dài hạn.