Dấu mốc đáng nhớ của Hiệp định về Biển cả

Quốc đảo Palau đã ghi một dấu mốc lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định về Biển cả, một thỏa thuận mang tính lịch sử của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ các đại dương trên Trái đất. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi được 60 quốc gia tham gia ký kết phê chuẩn.

Quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn hiệp định

Thông tin đăng tải trên trang web chính thức của Liên hợp quốc cho biết, Cộng hòa Palau đã phê chuẩn Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định, vào ngày 22-1 vừa qua. Dù chỉ là một đảo quốc nhỏ bé với tổng diện tích 446km2 gồm tất cả 250 hòn đảo cùng khoảng 20.000 người sinh sống, song quốc gia nằm trên Thái Bình Dương này đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định về Biển cả, mở màn cho hiệp định được đánh giá là lịch sử này đi vào cuộc sống.

Việc tham gia Hiệp định về Biển cả mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Việc tham gia Hiệp định về Biển cả mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Hiệp định về Biển cả được đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 6-2023 sau hơn 15 năm thảo luận. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi đó đã gọi sự kiện thông qua hiệp định này là một “thành tựu lịch sử”, theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được ít nhất 60 quốc gia tham gia ký kết phê chuẩn, mục tiêu mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng có thể đạt được vào năm 2025.

Hiệp định về Biển cả gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; Thiết lập vùng bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính.

Hiệp định được đánh giá có ý nghĩa quan trọng góp phần đạt mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030 như đã được các chính phủ đồng ý trong một hiệp ước lịch sử riêng biệt về đa dạng sinh học, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại thành phố Montreal của Canada vào tháng 12-2022. Một công cụ quan trọng trong hiệp định đó là khả năng thiết lập các khu vực bảo tồn biển trong vùng biển quốc tế mà hiện nay chỉ khoảng 1% trong số đó được bảo vệ bằng bất kỳ biện pháp bảo tồn nào.

Điều rất quan trọng là hiệp định sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, vốn đo bằng 200 hải lý (khoảng 370km) tính từ đường cơ sở. Hiệp định cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu. Văn kiện này do đó được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030.

Phát biểu sau khi hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia được thông qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam - khẳng định, hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) - bản Hiến pháp của đại dương - tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương. Đây cũng là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

Góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký hiệp định về Biển cả trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9-2023. Sự kiện này truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km; có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; và các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển vì thế có vai trò rất quan trọng đối với nước ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như nhận định trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nước ta đã tham gia tiến trình đàm phán văn kiện hiệp định về Biển cả ngay từ những ngày đầu tiên cách đây hơn 15 năm. Hiệp định vì thế là kết quả của một quá trình thương lượng, thỏa hiệp xung quanh các luồng quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về khai thác và bảo tồn; khuyến khích nghiên cứu khoa học và xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ; chia sẻ lợi ích công bằng. Thành công của đàm phán để đi đến ký kết hiệp định rất đáng khích lệ, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Đối với Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sau khi thay mặt Chính phủ nước ta ký kết tham gia, Hiệp định về Biển cả mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Hiệp định tiếp tục củng cố hệ thống văn bản pháp lý dựa trên UNCLOS năm 1982 trong việc quản trị các vùng biển và đại dương, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiệp định tái khẳng định UNCLOS năm 1982 là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển. Mọi yêu sách biển không được phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, phạm vi của các vùng biển quốc tế, nơi tài nguyên sinh vật biển thuộc về toàn thể nhân loại, phải được xác định thông qua và phù hợp với UNCLOS năm 1982.

Hiệp định về Biển cả cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển và được hưởng lợi về mặt kinh tế từ việc các quốc gia khác có lợi thế lớn hơn về tiềm lực tài chính, khoa học - công nghệ khai thác nguồn gene ở vùng biển khơi và chia sẻ lại lợi ích với chúng ta. Hiệp định tạo ra và khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc tham gia Hiệp định về Biển cả đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao”… là một trong những khâu đột phá, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hiệp định mở ra cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dau-moc-dang-nho-cua-hiep-dinh-ve-bien-ca-post565437.antd