Đầu năm lại lo tiền trường

Sau buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, nỗi lo mang tên 'tiền trường' lại nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội. Mặc dù ngành giáo dục đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng lạm thu bằng nhiều biện pháp, nhưng các khoản thu đầu năm vẫn trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.

Xã hội hóa để cải tạo cơ sở vật chất

Trải qua 2 tuần học đầu tiên của năm học mới, chị Thùy Trang, phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, Trường Tiểu học L.Q.Đ. (quận Gò Vấp, TPHCM), kể, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đề nghị trang bị thêm kệ sách và tủ đựng tài liệu dùng chung cho cả lớp. Khảo sát nhanh ý kiến của phụ huynh, hơn 80% phụ huynh trong lớp đồng ý nên danh sách vận động nhanh chóng được triển khai, phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện.

Học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM) trong lễ khai giảng năm học 2023-2024

Học sinh Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TPHCM) trong lễ khai giảng năm học 2023-2024

Hiện tại, số tiền đóng góp đã hơn 15 triệu đồng. Tương tự, tại Trường Tiểu học T.H.Đ (quận 1, TPHCM), phụ huynh đề xuất lắp thêm máy lạnh cho phòng học của học sinh khối 1. Bước đầu, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, các khoản chi phí còn lại thì vận động phụ huynh với tinh thần “ai có nhiêu, đóng nhiêu”.

Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, nhiều năm trở lại đây, trường tiếp nhận việc hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất trường lớp từ ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp thông qua hiện vật (gồm máy lạnh, tivi, máy chiếu), hạn chế công trình vận động thu tiền vì liên quan nhiều quy định về quản lý thu chi.

Hiện nay, bậc tiểu học thực hiện chính sách phổ cập giáo dục nên không thu học phí, mọi hoạt động đều dựa vào ngân sách và tiền thu học phí buổi 2. Tuy nhiên, từ năm học 2020-2021, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trường học không thu học phí buổi 2 đối với các khối lớp đã triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, xã hội hóa là việc bắt buộc, nhằm giúp trường có thêm nguồn lực đầu tư và nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TPHCM triển khai Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Trong đó, 26 khoản thu dịch vụ được chia thành 4 nhóm, gồm: khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, khoản thu phục vụ các đề án đã được thành phố phê duyệt, khoản thu phục vụ hoạt động bán trú, khoản thu hỗ trợ cá nhân học sinh.

Với khoản thu “tiền sử dụng máy lạnh”, quy định tối đa 50.000 đồng/học sinh/tháng, gồm tiền điện và chi phí bảo trì máy lạnh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thắc mắc quy định này chỉ áp dụng với phòng học đã lắp sẵn máy lạnh.

Trên thực tế, nếu phòng học chưa có máy lạnh, phụ huynh có nguyện vọng lắp thêm thiết bị này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề phát sinh khác (như cải tạo đường dây điện, cửa sổ phòng học để sử dụng máy lạnh) khiến chi phí tăng lên, song do chưa có văn bản hướng dẫn nên mỗi trường triển khai mỗi kiểu, “quả bóng” kinh phí đẩy cho phụ huynh.

Nhập nhằng chính khóa và ngoại khóa

Mới đây, phụ huynh khối 6, Trường THCS L.S. (quận 6, TPHCM) bức xúc phản ánh nhà trường gộp chung thời khóa biểu các tiết học chính khóa với hoạt động ngoài giờ khiến học sinh phải học 9 tiết/ngày, học thêm cả sáng thứ bảy, gây quá tải cho các em. Hoạt động ngoài giờ chính khóa được đưa vào thời khóa biểu gồm: giáo dục kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, tin học theo chuẩn quốc tế.

Mặc dù đại diện nhà trường khẳng định các hoạt động ngoài giờ chính khóa đều không bắt buộc, phụ huynh đăng ký theo nhu cầu nhưng việc trường xếp chung thời khóa biểu khiến nhiều người lầm tưởng đây là hoạt động bắt buộc.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay chương trình dạy học 2 buổi/ngày quy định không quá 7 tiết/ngày đối với cấp THCS và 8 tiết/ngày đối với cấp THPT. Trong đó, thời lượng dành cho hoạt động bồi dưỡng văn hóa, triển khai các môn học tự chọn không quá 50% số tiết học của buổi 2.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế, trường học được phép tổ chức thêm các hoạt động chuyên môn khác, như tổ chức cho học sinh nghiên cứu khoa học, trải nghiệm thực tiễn, tiết học ngoài nhà trường, giáo dục kỹ năng sống… Như vậy, việc lựa chọn và tổ chức các hoạt động ngoài giờ do hiệu trưởng nhà trường quyết định, triển khai trên cơ sở đồng thuận với phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ được cấp phép hoạt động khiến thị trường này đang tồn tại nhiều bất cập, như cạnh tranh không lành mạnh, có nơi lạm dụng để tăng thêm nguồn thu…

Tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, một số trường học trên địa bàn quận 1 triển khai phiếu lấy ý kiến phụ huynh học sinh về các khoản thu. Đây là địa phương duy nhất của TPHCM có mức thu suất ăn bán trú của năm học 2022-2023 cao hơn mức trần tối đa của năm học này theo Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM là 35.000 đồng/ngày/học sinh. Do đó, các trường phải cân đối, điều chỉnh mức thu sao cho đúng quy định nhưng không ảnh hưởng nhu cầu dinh dưỡng của học sinh.

MINH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-nam-lai-lo-tien-truong-post706295.html