Đấu thầu Gói thầu thi công đường Đ4 và N1 (Bình Dương): Nhiều nghi vấn về sự thiếu minh bạch
Gói thầu thi công xây dựng tuyến đường Đ4 và tuyến đường N1 thuộc Dự án Các trục giao thông chính thuộc khu quy hoạch xây dựng các bệnh viện và một số công trình nhà nước giai đoạn II từng gây ồn ào báo giới lại đang khiến các nhà thầu đặt nghi vấn về sự thiếu minh bạch trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu.
20 văn bản đề nghị làm rõ hồ sơ dự thầu
Dự án Các trục giao thông chính thuộc khu quy hoạch xây dựng các bệnh viện và một số công trình nhà nước giai đoạn 2 do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Việt Trẻ làm tư vấn mời thầu. Gói thầu thi công xây dựng đường Đ4 và N1 thuộc dự án này trị giá khoảng 61,7 tỷ đồng. Tại thời điểm mở thầu, có 4 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu bao gồm: Công ty TNHH Bảo Sơn; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 3/2 - Công ty TNHH Xây dựng giao thông Ngọc Thanh Tâm; Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Ngọc Bảo và Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt.
Theo Thông báo số 470/TB-VCDC do bên mời thầu công bố ngày 11/11/2016, có 2 trên 3 nhà thầu bị loại vì hồ sơ đề xuất kỹ thuật không hợp lệ, không làm rõ hồ sơ dự thầu. Thậm chí, có nhà thầu 2 lần không đáp ứng yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu do bên mời thầu đưa ra, trong khi đây là nghiệp vụ bình thường trong đấu thầu và các nhà thầu được yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu thường là nhà thầu tiềm năng, có cơ hội trúng thầu cao.
Có ý kiến cho rằng, chỉ có thể lý giải hiện tương lạ nêu trên rằng, hoặc nhà thầu sớm rời cuộc chơi là “quân xanh”, hoặc cục diện gói thầu đã ngầm được định đoạt hoặc yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu chỉ là công cụ “triệt hạ” nhà thầu bằng việc đưa ra các điều kiện có tính chất đánh đố nhà thầu.
Điển hình như việc ngày 22/7/2016, bên tư vấn mời thầu Việt Trẻ gửi Thông báo số 130/016/TB-VCDC cho nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt yêu cầu bổ sung, làm rõ hồ sơ dự thầu. Điều phi lý là bên mời thầu gửi thông báo vào cuối giờ chiều ngày làm việc cuối tuần, song lại yêu cầu bổ sung ngay đầu giờ ngày làm việc đầu tuần kế tiếp. Chưa kể bản thân các nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu trên, theo nhà thầu Đại Việt, là có “vấn đề về tính hợp lệ”.
Kiến nghị làm rõ tính minh bạch của quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật do nhà thầu Đại Việt gửi tới Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương và các cơ quan quản lý nhà nước đã “điểm mặt” nhiều bất thường khó lý giải. Cụ thể, tại lần yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu nêu trên, bên mời thầu yêu cầu làm rõ 7 nội dung, nhưng chỉ cho nhà thầu thời gian chuẩn bị trong 1 ngày làm việc, với lý do là tính gấp rút của gói thầu. Song bẵng đi 1 tháng, tại Thông báo số 156/016/TB-VCDC ngày 22/8/2016, bên mời thầu lại yêu cầu nhà thầu Đại Việt làm rõ hồ sơ dự thầu lần 2. Một ngày sau đó, bên mời thầu “bồi” thêm một “đòn” làm rõ hồ sơ dự thầu nữa bằng Thông báo số 157/016/TB-VCDC ngày 23/8/2016.
Những tưởng khi các yêu cầu đều được nhà thầu đáp ứng đầy đủ, thì công tác chấm kỹ thuật sẽ sớm kết thúc, nhưng ngày 22/9/2016, nhà thầu Đại Việt lại được “ưu ái” thêm một lần nữa khi tiếp tục nhận được Thông báo số 177/016/TB- VCDC của bên mời thầu Việt Trẻ yêu cầu làm rõ nội dung “bản chất, độ phức tạp các hợp đồng nhà thầu kê khai nhằm chứng minh năng lực kinh nghiệm của chỉ huy trưởng Trần Đình Tuyển”.
Ông Nguyễn Hữu Huynh, đại diện nhà thầu Đại Việt bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã bị “dội bom” bằng gần 20 văn bản để làm rõ hồ sơ dự thầu. Toàn bộ quá trình bên mời thầu phát hành văn bản yêu cầu đều được nhà thầu đáp ứng. Tuy nhiên, bên tư vấn mời thầu không có bất kỳ đánh giá kết luận gì về các tài liệu chứng minh năng lực, mà chỉ ghi nhận và chuyển cho chủ đầu tư xem xét”.
Theo ông Huynh, theo quy định tại Điều 16, Nghị định 63/2014 NĐ- CP, việc làm rõ hồ sơ dự thầu là để nhà thầu có thêm cơ hội chứng minh năng lực và được lựa chọn thắng thầu. Nhưng trong trường hợp này, khâu này đang được bên tư vấn mời thầu lợi dụng như một công cụ gây khó khăn, làm nản lòng nhà thầu Đại Việt.
Bất thường kết quả chấm thầu
Như đã đề cập, với việc rời bỏ “cuộc chơi” sớm của 2 nhà thầu với cùng một lý do khó hiểu là không làm rõ hồ sơ đề xuất kỹ thuật, thì cục diện Gói thầu đường Đ4 và N1 chỉ còn là cuộc “tỷ thí” của 2 nhà thầu còn lại là Đại Việt và Bảo Sơn. Theo đại diện nhà thầu Đại Việt, thì nhìn tổng thể, quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu cho thấy, nhà thầu Đại Việt được bên mời thầu quan tâm “soi” khá kỹ để bắt từng lỗi, dù nhiều lỗi không có tính chất trọng yếu.
Chưa hết, ngày 4/11/2016, chủ đầu tư ban hành Quyết định số 228/QĐ-QLDA phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Theo đó, nhà thầu Công ty TNHH Bảo Sơn dành số điểm cao ngất ngưởng (97 điểm), vượt qua vòng kỹ thuật để vào vòng mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Cùng ngày, bên mời thầu Việt Trẻ gửi Thông báo số 456/TB-VCDC tới các nhà thầu công bố kết quả chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Theo đó, 2 nhà thầu Ngọc Bảo và liên danh Đầu tư xây dựng 3/2 - Ngọc Thanh Tâm không đạt vì không làm rõ hồ sơ dự thầu, nhà thầu Đại Việt không đạt do không đạt điểm tối thiểu tại mục 7 - uy tín nhà thầu (nhà thầu không có hợp đồng tương tự vượt tiến độ).
Tuy nhiên, bất ngờ xảy ra khi kết quả ngay lập tức được bên mời thầu hủy. Cụ thể, ngày 7/11/2016, bên tư vấn mời thầu Việt Trẻ lại gửi thông báo tới các nhà thầu hủy Thông báo số 456/TB-VCDC. Căn cứ là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 229/QĐ-QLDA ngày 7/11/2016 thu hồi Quyết định số 228/QĐ-QLDA vừa được phê duyệt trước cho chưa ráo mực. Điều đáng nói là, bên mời thầu không đả động gì tới lý do việc thu hồi quyết định của Ban quản lý.
Tình huống ly kỳ hơn khiến các nhà thầu liên quan dở khóc, dở cười là tới ngày 11/11/2016, chủ đầu tư lại ban hành Quyết định số 237/QĐ-QLDA phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, ngay trong ngày tư vấn mời thầu Việt Trẻ phát đi Thông báo số 470/TB-VCDC về kết quả được phê duyệt. Điều lạ là Quyết định số 237/QĐ-QLDA và Thông báo số 470/TB-VCDC có nội dung không khác gì Quyết định số 228/QĐ-QLDA và Thông báo số 456/TB-VCDC được ban hành và hủy trước đó. Sự khác biệt chỉ là số hiệu văn bản và ngày ban hành.
Chuyện thông báo kết quả rồi hủy, rồi lại phê duyệt lại với nội dung vẫn y nguyên khiến nhà thầu nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong công tác chấm thầu. Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với bên tư vần mời thầu và lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương để tìm hiểu lý do, song rất tiếc các đơn vị này từ chối cung cấp thông tin.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư và người dân sống quanh khu vực xây dựng tuyến đường Đ4 và tuyến đường N1, dù chưa có kết quả trúng thầu, song nhà thầu Bảo Sơn đã tập kết vật liệu tại đây. Chủ đầu tư Dự án đã có văn bản phủ nhận thông tin này, song theo ước lượng của chúng tôi, khối lượng đất, đá đã tập kết khoảng 40.000 m3. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin xung quanh sự việc này.