Đấu tranh lấy nước ở thượng nguồn Mekong
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu đợt hạn mặn nghiêm trọng, trong đó có tác động lớn từ thượng nguồn sông Mekong. Theo Bộ NN&PTNT, dù tính theo 'thuận thiên' (ý trời) nhưng không có nghĩa là ngồi chờ, mà phải phát triển kinh tế mặn - ngọt linh hoạt, đồng thời có biện pháp đấu tranh, tránh việc chuyển dòng, giữ nước ở các quốc gia thượng nguồn Mekong.
Tích hợp giải pháp công trình và phi công trình
Mùa khô năm 2019-2020 ở lưu vực sông Mekong ít nước. Lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí thấp hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016. Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay trên dòng Mekong tại trạm Kratie (Campuchia) đạt 6,67m, thấp hơn 1,43 m so với trung bình nhiều năm (TBNN) và thấp hơn 0,5 m so với cùng kỳ năm 2016.
Tại Biển Hồ (Campuchia)- nơi ví như dạ dày chứa nước Mekong, trước khi chảy về ĐBSCL, đến giữa tháng 2/2020, chỉ tích khoảng 1,9 tỷ m3, thấp hơn TBNN khoảng 3,6 tỷ m3 và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3. “Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020”, ông Văn Anh nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn đã xuất hiện cao đột biến từ tháng 12/2019 và đỉnh điểm rơi vào tháng 2/2020. Xâm nhập mặn tấn công từ cả phía biển Đông lẫn biển Tây. Điển hình, ngày 12/2, ranh mặn 4 g/lít tại vùng sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) từ 94-97 km, sâu hơn năm 2016 từ 12-14 km. Vùng cửa sông Cửu Long mặn vào 55-74 km, sâu hơn năm 2016 từ 1-11 km, sâu hơn 1-5 km so với mức sâu nhất năm 2016.
Thời gian tới của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường. Dự báo, từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 g/lít ở mức 80 km, sâu hơn 5 km so với đợt xâm nhập mặn tháng 2.
Từ cuối tháng 3, xâm nhập mặn có thể giảm dần do các hồ chứa ở thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước. Ở các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.
Theo ông Văn Anh, đến nay khoảng 88.300 hộ dân ở các tỉnh ĐBSCL gặp khó về nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau…
Về sản xuất nông nghiệp, do dự báo sớm, nên ngay giữa mùa lũ, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo hội nghị chống hạn mặn (9/2019), khuyến cáo bà con xuống giống sớm hơn 1-1,5 tháng, nên thiệt hại hiện khoảng 33.500 ha.
Ông Văn Anh cho biết, để ứng phó với hạn mặn, nhiều địa phương đã chủ động dùng lu, bể, hệ thống kênh, rạch…để tích nước, kéo dài đường ống dẫn nước ở các nhà máy nước tập trung để cấp nước ăn cho vùng khó khăn. Những diện tích bị hạn mặn nặng, đã chuyển đổi sang cây trồng khác sử dụng ít nước, hiệu quả cao hơn.
Hiện tổng mức đầu tư cho ĐBSCL từ các nguồn, chương trình chiếm gần 30% trong tổng vốn đầu tư của nông nghiệp. Về lâu dài, ở ĐBSCL phải tích hợp cả giải pháp công trình và phi công trình để thích ứng với hạn mặn.
Riêng về các công trình, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương để tính toán, đẩy nhanh tiến độ từ 4-13 tháng. Đến nay, có 5/11 công trình của Bộ tại ĐBSCL đã hoàn thành để ứng phó hạn mặn. Đặc biệt, công trình quy mô như Cái Lớn-Cái Bé đã khởi công từ tháng 10/2019, sẽ đẩy nhanh hoàn thành trong vòng 20 tháng, lúc đó một phần Cà Mau, Kiên Giang sẽ xử lý được mặn…
Lo thượng nguồn Mekong chuyển dòng, giữ nước
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tổng lượng nước mặt trung bình của tất cả các con sông của Việt Nam khoảng 840 tỷ m3, trong đó có khoảng 520 tỷ m3 nước (chiếm 62% tổng lượng nước mặt) sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Riêng sông Cửu Long, lượng nước từ thượng nguồn chảy về mỗi năm trên 400 tỷ m3.
Đến nay, vấn đề lớn nhất đang đe dọa an ninh nguồn nước với Việt Nam là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nước và mâu thuẫn trong sử dụng nước giữa các quốc gia. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, cũng như cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
TS. Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho biết, an ninh nguồn nước liên quan đến quá trình phát triển ở lưu vực sông ở thượng nguồn. Nếu thượng lưu khai thác quá mức nguồn nước cho phát triển công nghiệp, đô thị, canh tác nông nghiệp… nhất là vào những năm ít mưa, ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị tác động rất lớn.
Theo TS. Thắng, với việc xây dựng và tích nước, vận hành nhiều hồ thủy điện ở thượng nguồn Mekong, ĐBSCL sẽ giảm về lượng nước, phù sa, gây xói lở… “Khi thủy điện thượng nguồn vận hành sẽ thay đổi quy luật dòng chảy của sông trước đây. Chưa kể, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, rừng ở thượng nguồn bị mất dần… sẽ tác động không nhỏ đến ĐBSCL”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho rằng, để thích ứng với vấn đề trên, không thể phòng chống thiên tai một cách máy móc, và theo hướng giảm nhẹ. Các địa phương cần chuyển đổi sản xuất để phù hợp, vùng nước chuyên mặn phải phát triển kinh tế vùng mặn, chuyên ngọt thì phát triển kinh tế vùng ngọt. “Ngoài ra, có biện pháp công trình để giải quyết bất cập khi có hạn- mặn đan xen. Như vậy để thấy, thuận thiên không có nghĩa là để tự nhiên, chúng ta không làm gì”, ông Thắng nói.
Ông Thắng lưu ý, hiện ở ĐBSCL vấn đề khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến sụt lún. Có tình trạng xây nhà, các công trình lấn lòng kênh, mương, dễ gây sạt lở, khó nạo vét… Do vậy, các địa phương cần tiếp tục sắp xếp lại dân cư, quy hoạch lại hệ thống thủy lợi một cách hợp lý.
Liên quan an ninh nguồn nước ở thượng lưu Mekong, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện Ủy ban sông Mekong đang làm việc tích cực với các quốc gia thượng nguồn, tuy nhiên đây là bài toán khó.
Trong hiệp định của Liên Hợp Quốc về sử dụng các dòng sông, cũng như trong Ủy ban sông Mekong có điều khoản là các nước được phép chủ động sử dụng nguồn nước, nhưng phải thông báo. “Đây là điều rất khó, khi Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia cũng muốn sử dụng nhiều nước, buộc chúng ta phải thích ứng”, ông Hiệp nói.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Việt Nam phải đấu tranh để các nước thượng lưu không được chuyển nước khỏi sông Mekong. “Nếu chuyển dòng nước không về ĐBSCL theo dòng Mekong nữa, mà chảy về khu vực, hồ khác thì nguy hiểm. Cùng đó, các hồ điều hòa tự nhiên không được phép tác động, chẳng hạn, nếu Biển Hồ của Campuchia tích nước lại là câu chuyện rất căng thẳng”, ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, khi làm hồ thủy điện, nguyên tắc vận hành là phải có đường cho cá đi, đường xả phù sa. Tuy nhiên, hiện do yếu tố đầu tư quá cao, nên các khâu nói trên bị bỏ qua ở các thủy điện. “Đàm phán vấn đề này đương nhiên là khó, nhưng bằng mọi cách phải yêu cầu thượng nguồn không được phép chuyển nước, vì nếu chuyển nước thì ĐBSCL sẽ rất khó khăn”, ông Hiệp nói.