Đấu tranh phòng, chống ma túy và quản lý cai nghiện vẫn còn nhiều khó khăn

Những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và quản lý cai nghiện trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở nên đạt được những kết quả nổi bật. Tuy nhiên bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và quản lý cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ sở vật chất, kinh phí, chế tài chưa đảm bảo hoàn thiện để thực hiện tốt việc quản lý cai nghiện...

 Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ 2 đối tượng thuê taxi để vận chuyển trái phép hơn 6.000 viên ma túy tổng hợp trên địa bàn huyện Đakrông - Ảnh: N.B

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ 2 đối tượng thuê taxi để vận chuyển trái phép hơn 6.000 viên ma túy tổng hợp trên địa bàn huyện Đakrông - Ảnh: N.B

Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực các huyện miền núi biên giới Đakrông, Hướng Hóa. Ở khu vực biên giới đã hình thành nhiều điểm, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào nội địa tỉnh. Trong nội địa tỉnh, tình trạng mua bán lẻ chất ma túy diễn ra khá phức tạp. Hiện nay, số lượng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng và trẻ hóa; hầu như các xã, phường, thị trấn đều đã xuất hiện tệ nạn ma túy. Đặc biệt đã xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh liên quan đến ma túy và có nhiều thôn, bản có đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, đến cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh có 1.814 người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Hiện nay, tổng số người sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn miền núi là 855 người, chiếm 47,6%, trong đó số người đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng trái phép chất ma túy là 426 người, chiếm 23,7%. Điều đáng lo ngại là từ năm 2015 đến nay, số đối tượng sử dụng ma túy là người đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 14 - 18 tuổi ở khu vực biên giới liên tục gia tăng.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của tội phạm và tệ nạn ma túy, các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan như: Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hải quan tỉnh đã tăng cường phối hợp để đấu tranh phòng, chống ma túy. Từ năm 2015 đến nay, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan phát hiện, bắt giữ 369 vụ/643 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; thu giữ hơn 189 nghìn viên ma túy tổng hợp, 28,4 kg ma túy đá, 14 kg cần sa khô, 439,8 gam heroin và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thụ lý điều tra về các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”; việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Công an tỉnh cùng các đơn vị liên quan đã tăng cường công tác tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, công tác phòng ngừa xã hội và nghiệp vụ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về tác hại, biện pháp phòng, chống ma túy trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và quản lý cai nghiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo số 536 ngày 11/5/2020 về tình hình ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị, Công an tỉnh đã nêu ra một số những hạn chế, khó khăn đang gặp phải như: Một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở (đặc biệt là tại một số xã vùng bản) chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống ma túy tuy được quan tâm thực hiện thường xuyên nhưng vẫn còn thiếu sự đa dạng về mặt nội dung, hình thức nên chưa thực sự phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, đây là địa bàn vùng biên giới giáp biên, vùng rừng núi hiểm trở, đường biên kéo dài, các đối tượng buôn bán ma túy tinh vi, xảo quyệt nên gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng. Đời sống của người dân nhất là vùng miền núi còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, nhận thức về tác hại của ma túy còn hạn chế nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào tệ nạn ma túy. Việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, thời gian kéo dài, không có chế tài quản lý người bị đề nghị lập hồ sơ. Kinh phí thực hiện công tác phòng, chống ma túy hạn hẹp, chưa đảm bảo được yêu cầu của cơ sở.

Theo báo cáo số 147 ngày 14/5/2020 về công tác điều trị cắt cơn, giải độc, cai nghiện của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 thì từ 7/8/2019 đến 14/4/2020, trung tâm này đã tiếp nhận được 32 lượt người nghiện ma túy vào cắt cơn, giải độc, giáo dục, phục hồi chức năng trong đó có 9 học viên cai nghiện tự nguyện, 23 học viên cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất, hạ tầng một số hạng mục tại trung tâm đã xuống cấp cần đầu tư xây dựng và hoàn thiện để đảm bảo tiếp nhận người vào cai nghiện. Thêm vào đó, tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng, số lượng hồ sơ cai nghiện bắt buộc được lập tại các địa phương trong tỉnh ngày càng đông gây sức ép nhận người vào trung tâm trong khi đó thiếu cơ sở vật chất và cán bộ nên chưa đủ điều kiện tiếp nhận. Việc truy bắt đối tượng cai nghiện ma túy bỏ trốn khi đang điều trị tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn như cán bộ trung tâm không đủ số lượng và hệ thống hành pháp để truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Theo báo cáo số 447, ngày 12/3/2020, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị nêu rõ những khó khăn như: Công tác tổ chức triển khai lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa thực sự được chính quyền cấp cơ sở chú trọng và đạt hiệu quả thấp. Công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy những năm trước vẫn còn hạn chế. Quá trình rà soát, thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý còn gặp nhiều khó khăn do người nghiện ma túy thường thay đổi nơi cư trú. Hằng năm, nhiều địa phương không bố trí kinh phí cho chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm nên ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ, kết quả đề ra. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai nhiệm vụ đôi khi chưa kịp thời; công tác báo cáo, thống kê không được thường xuyên và còn thiếu sót làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành.

Tại báo cáo số 1279, ngày 8/5/2020 của Bộ đội Biên phòng tỉnh về tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn biên giới thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý cũng đã nêu ra nhiều khó khăn đang gặp phải. Tuy công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng kết quả đấu tranh vẫn chưa tương xứng với thực tế tình hình trên địa bàn khu vực biên giới. Công tác giáo dục, quản lý người nghiện, người sau cai nghiện vẫn còn nhiều hạn chế; tỉ lệ người được cai nghiện so với người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn thấp. Các đối tượng sau khi cai nghiện trở về địa phương vẫn còn bị xã hội kỳ thị; chính sách đào tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hiện tại người sử dụng ma túy trái phép chưa được xem là tội phạm mà chỉ là đối tượng tệ nạn xã hội. Do đó, chế tài xử lý chưa đủ răn đe, dẫn đến tình trạng người sử dụng ma túy tăng nhanh. Kinh phí cho quá trình điều tra, xác minh, đấu tranh với các chuyên án, vụ án ma túy kéo dài nhiều ngày của lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh còn hạn hẹp làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, quản lý cai nghiện là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài nhưng tin rằng với sự vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận, chung tay từ Nhân dân, nhất định thực trạng buôn bán, sử dụng trái phép ma túy trên địa bàn sẽ được đẩy lùi. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=152046