Đấu tranh với những sai phạm về an toàn thực phẩm

UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025.

Kế hoạch cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025 được ban hành nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể bao gồm người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đây là hoạt động nhằm góp phần xây dựng nếp sống văn minh, trong đó, an ninh, an toàn thực phẩm được đề cao, trở thành yêu cầu thường trực, bắt buộc; kiên trì đấu tranh trên mặt trận truyền thông với mọi đối tượng, mọi hành vi gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, gây nguy cơ dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

Liên quan đến nội dung tuyên truyền, Kế hoạch nêu rõ, truyền thông về an toàn thực phẩm phải thường xuyên, kiên trì tuyên truyền khẳng định và làm nổi bật quan điểm của Đảng ta rất quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm.

Nội dung tuyên truyền gắn an toàn thực phẩm với vấn đề an ninh theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, coi “An ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”.

Các đơn vị, địa phương phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm; phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Mặt khác, các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm được bày bán tại lòng đường, vỉa hè; tạo thói quen quét mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tuyên truyền đề cao yếu tố đạo đức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Cùng với đó, cơ quan báo chí đưa tin kịp thời về công tác triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP; kịp thời cảnh báo các yếu tố, hành vi có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm từ cả hai phía là người tiêu dùng và người cung ứng thực phẩm.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thông tin tôn vinh các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm làm tốt công tác an toàn thực phẩm, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; lan tỏa rộng rãi các địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn để người dân, người tiêu dùng thực phẩm ủng hộ, lựa chọn.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương công khai thông tin các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, đã bị các cơ quan chức năng xử phạt, nhắc nhở; tiếp tục công khai thông tin nhắc nhở đến khi các đơn vị sau khi đã khắc phục, sửa đổi, bảo đảm an toàn thực phẩm.

UBND TP yêu cầu đẩy mạnh các tuyến tin, bài, sản phẩm truyền thông có nội dung phê phán, đấu tranh với các đối tượng, hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, hằng ngày, hằng tuần và trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm như: Tháng hành động về an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,...

Về hình thức tuyên truyền, UBND TP yêu cầu tuyên truyền trên báo chí; trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; qua tập huấn kiến thức cho các chủ thể; trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; trên hệ thống thông tin cơ sở và tuyên truyền cổ động trực quan.

Cụ thể hơn về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, từ nay đến cuối năm, Hà Nội tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.

Thực tế cho thấy, hiện đa số xung quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội, hàng quán ăn vặt, sạp hàng lưu động “mọc lên như nấm” với nhiều loại thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc.

Đặc điểm chung của những mặt hàng thực phẩm này là được chế biến ngay tại khu vực lề đường, khói bụi mất vệ sinh. Thế nhưng, những món ăn này vẫn hấp dẫn học sinh, trở thành mối nguy hại cho sức khỏe các em.

Chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó, Thành phố tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.

Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.

Bên cạnh đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo các bác sỹ, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...

Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.

Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây ung thư.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-tranh-voi-nhung-sai-pham-ve-an-toan-thuc-pham-d228103.html