Đầu tư chăm lo giáo dục mầm non

Năm học 2020 - 2021, tuy ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng giáo dục mầm non tỉnh Lâm Đồng kết thúc với nhiều kết quả giữ vững và gia tăng theo hướng tích cực. Đây là thực tế chứng minh sự chăm lo thế hệ trẻ em bắt đầu đến lớp đến trường ở một địa phương còn nhiều khó khăn đặc thù.

Trường Mầm non ngoài công lập Hiển Linh, thành phố Đà Lạt

Trường Mầm non ngoài công lập Hiển Linh, thành phố Đà Lạt

ĐẦU TƯ TOÀN DIỆN

Hiện tỉnh Lâm Đồng có 231 trường mầm non (MN), mẫu giáo (MG); trong đó, có 173 trường công lập (tỷ lệ 75,32%), 3 trường dân lập (1,30%) và 55 trường tư thục (23,38%). Với địa bàn rộng, nhiều vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhưng 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh đã quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2025. Hiện 100% xã đều có trường MN, bình quân 1 xã có 1,62 trường, trong đó 173 trường công lập, 58 trường ngoài công lập. Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khuyến khích đầu tư và quy hoạch, cho thuê đất tại các khu đô thị mới để phát triển thêm trường MN là định hướng đúng. Ngành giáo dục MN hiện có 6.635 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và nhân viên; tỷ lệ bình quân GV/lớp là 1,8, tăng 0,22 ở nhà trẻ và 0,5 ở MG so với năm 2010. Càng trân trọng là đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn rất cao, đạt chuẩn trở lên 99,63% ở CBQL và 87,08% ở GV (trường công lập đạt 93,98%). Tuy nhiên, so với định mức quy định tại Thông tư 14 thì Lâm Đồng còn thiếu 466 GV. Đây là một mục tiêu tiếp tục cần khắc phục.

Cần nêu cụ thể hơn về sức huy động đầu tư cho ngành giáo dục MN của tỉnh rất lớn. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học theo các chương trình dự án và kế hoạch phổ cập; đặc biệt các trường công lập vùng khó, trường đăng ký xây dựng chuẩn quốc gia. Trong năm học qua, việc xây mới thêm 4 trường và 180 phòng học, xóa 10 phòng học mượn nên chỉ còn thiếu 9 phòng học. Toàn tỉnh có 2.565 phòng học dành cho trẻ nhà trẻ và MG, trong đó kiên cố 65,06% và bán kiên cố 34,94%. Lâm Đồng đảm bảo đủ số lượng 1 phòng/1 lớp. Cùng đó, các công trình vệ sinh, nước sạch đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ (100% trường có nhà bếp và công trình vệ sinh; mỗi trường MN có 1 phòng để tổ chức hoạt động giáo dục nghệ thuật, thể chất cho trẻ; 1.705/2.565 lớp học có đầy đủ nhà vệ sinh đảm bảo theo quy định phục vụ nhu cầu vệ sinh của trẻ)…

Năm học 2020 - 2021, tổng kinh phí từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trang bị bổ sung tủ đựng đồ cá nhân, giường, bàn ghế cho 88 trường MN trên 4,183 tỷ đồng; trang bị 45 loại thiết bị, đồ chơi và học liệu cho 1.756 lớp MG thuộc 6 huyện với tổng kinh phí trên 5,279 tỷ đồng; trang bị 11 loại đồ chơi ngoài trời cho 66 trường với tổng kinh phí trên 15,586 tỷ đồng…

VÀ HIỆU QUẢ GIÁO DỤC

Mạng lưới trường, lớp phủ rộng như trên là điều kiện thuận lợi để huy động trẻ ra lớp. Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 73.446/106.368 trẻ đến trường, đạt tỷ lệ 69,04%, tăng 3,44% so với năm học trước. Kết thúc năm học 2020 - 2021, ngành học MN Lâm Đồng có 155 trường đạt chuẩn quốc gia (67,09%), trong đó, tăng 26 trường, công nhận lại 3 trường. Riêng trường MN công lập có 143 trường MN đạt chuẩn với tỷ lệ 82,65%.

Về chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, Lâm Đồng vừa duy trì vừa nâng lên đáng kể so với năm học trước. Từ đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ; nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng chăm sóc sức khỏe trẻ đến việc đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục. Ví dụ, các mặt: tổ chức bán trú cho trẻ tại trường, trẻ được học 2 buổi/ngày, khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe trẻ về chỉ số cân nặng và chiều cao, kể cả trẻ ở các nhóm trẻ độc lập tư thục, đều đạt 100%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ 0,99% và MG 1,51%, giảm so với đầu năm là 3,7%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ 1,59% và MG 2,07%, giảm so với đầu năm là 4,08% và tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở nhà trẻ 0,19% và MG 2,73%, giảm so với đầu năm là 0,13%...

Năm 2020 - 2021, toàn quốc áp dụng Chương trình giáo dục mới 2018 từ lớp 1. Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN nói chung, đặc biệt trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ hết sức quan trọng, và là thách thức đối với trẻ em dân tộc thiểu số. Vì vậy, Bộ GDĐT đã có Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”. Với Lâm Đồng, kết thúc năm học 2020 - 2021, Sở GDĐT cho biết, 100% trường, lớp MN, MG ở vùng DTTS đều thực hiện chương trình giáo dục mới theo hướng dẫn thực hiện chương trình tại vùng khó; cùng đó là thực hiện chuẩn bị tiếng Việt cho 7.054/7.054 trẻ em DTTS tại 428 lớp MG để trẻ vào lớp 1 và 100% em đã hoàn thành chương trình giáo dục MN.

Đưa giáo dục MN tiếp tục vươn lên, đáp ứng nhiệm vụ phát triển giáo dục đổi mới, Lâm Đồng cần khắc phục những hạn chế và tồn tại. Đặc biệt, cơ sở vật chất của các trường vùng sâu còn thiếu, nhất là ở các điểm lẻ không có bếp ăn riêng, không có khu vệ sinh khép kín. Mặt khác, như đã nêu ở trên, đội ngũ trong cơ sở công lập còn thiếu, càng thiếu khi thực hiện mở rộng quy mô trường, nhất là mở rộng độ tuổi nhà trẻ. Ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng cho rằng: “Cần tiếp tục có các chương trình, dự án hỗ trợ các tỉnh để duy trì công tác phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, nhất là các tỉnh vùng cao, khu vực Tây Nguyên”.

MINH ĐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202108/dau-tu-cham-lo-giao-duc-mam-non-3073842/