Đầu tư cơ sở hạ tầng các bản đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù

Thực hiện Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”, huyện Thuận Châu đã tập trung triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn bản đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc La Ha), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân vùng dự án.

Cuối tháng 3, hơn 180 hộ, 750 nhân khẩu bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, đón niềm vui khi các tuyến đường nội bản, đường ngõ hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài gần 3km, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Anh Lò Văn Yên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Huổi Lọng, cho biết: Bản có 5 dân tộc La Ha, Kháng, Thái, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống; trong đó, dân tộc La Ha có 140 hộ. Trước đây, con đường nội bản là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển kinh tế của nhân dân. Giờ đây, con đường đã được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ, thuận lợi cho việc đi lại, nông sản ô tô về tận bản mua với giá cao. Bản vận động nhân dân thường xuyên quét dọn, bảo vệ sử dụng hiệu quả, lâu dài công trình.

Đường về bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha được đổ bê tông kiên cố.

Đường về bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha được đổ bê tông kiên cố.

Cũng từ nguồn vốn Dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, vừa qua, hơn 600m mương nội đồng của bản Hán, xã Chiềng Pha, đã được bê tông kiên cố, đảm bảo nước tưới hơn 10ha ruộng lúa 2 vụ của bản. Vì vậy, vụ lúa mùa năm nay của bản đạt năng suất cao, đảm bảo an ninh lương thực.

Anh Lường Văn Lẻ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, chia sẻ: Bản có 69 hộ, 348 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái, chiếm 42,2% và dân tộc La Ha, chiếm 35,4%; còn lại là dân tộc Khơ Mú và Kinh. Từ năm 2022 đến nay, ngoài thủy lợi, bản còn được đầu tư hơn 70 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa; đang thi công tuyến đường từ trung tâm xã về bản dài gần 3km, sau khi hoàn thành giúp nhân dân đi lại thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân. Hiện nay, bản chỉ còn 2 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.

Bà Cà Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Xã có 10 bản, hơn 1.730 hộ, với 8.129 nhân khẩu, có 5 dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú, Kháng, La Ha cùng sinh sống. Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn Dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, xã được đầu tư gần 16,8 tỷ đồng xây dựng 4 công trình cho bản Hán, bản có dân tộc La Ha sinh sống, gồm: Xây dựng đường giao thông; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; nâng cấp nhà văn hóa bản Hán và xây dựng tuyến đường từ bản Hán về bản Nà Heo, giúp xã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2023.

Đến nay, huyện Thuận Châu dành hơn 46 tỷ đồng của Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” xây dựng, nâng cấp 5 công trình đường giao thông; 4 công trình lớp học, 1 công trình thủy lợi, nâng cấp 1 nhà văn hóa trên địa bàn bản có đông đồng bào dân tộc La Ha. Đã giải ngân thanh toán hơn 25 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 công trình phục vụ đời sống, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc La Ha.

Ông Lò Văn Quý, Trưởng phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha thuộc các xã, bản đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phát triển sản xuất; đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng; phục dựng bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu và tổ chức các lớp học tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu chưa triển khai được. Nguyên nhân do chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về hình thức, quy trình thực hiện hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non; hình thức, quy mô tổ chức phục dựng lễ hội; thủ tục, hồ sơ, quy trình mở lớp truyền khẩu, quy định mở lớp học… Mong muốn các cấp có thẩm quyền, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án, để các địa phương thuận lợi trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiệu quả, đúng quy định.

Phát huy những kết quả đạt được, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, huyện Thuận Châu tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội phục vụ đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn.

Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/dau-tu-co-so-ha-tang-cac-ban-dong-dong-bao-dan-toc-co-kho-khan-dac-thu-9UvK4jIIg.html