Đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại phát triển

Theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng, đồng thời, đầu tư mạnh hơn, tạo tiền đề thúc đẩy thương mại, tham gia vào cuộc đua cùng các quốc gia khác.

Ngày 17/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Đại học Quốc gia Úc (ANU) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 7 với chủ đề “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” (CIEMB 2024).

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” là một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quy tụ các học giả trong nước và quốc tế từ nhiều lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý để trình bày và trao đổi nghiên cứu, với mục tiêu phát triển các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng bền vững toàn cầu.

Hội thảo đã nhận được 170 bài nghiên cứu từ các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên của Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác như: Australia, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan, Indonesia, Malaysia, Mauritius, Nigeria, Philippines, Slovakia, Nam Phi, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự chặt chẽ về mặt khái niệm và phương pháp luận, hơn 90 bài nghiên cứu đã được chọn để trình bày trong 21 phiên họp song song với các lĩnh vực kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, tiếp thị, du lịch, kinh tế vi mô và các lĩnh vực khác.

Đánh giá về những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, GS. Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ABDI) cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt, tạo tiền đề cho thương mại phát triển. Do đó, trước mắt, Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng để phát triển nền kinh tế; đồng thời, đầu tư mạnh tay hơn để tham gia vào cuộc đua cùng các quốc gia khác, khi sự cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết.

GS. Peter J. Morgan lấy ví dụ về lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh và Việt Nam chưa theo kịp được với tốc độ đó. Để giải quyết vấn đề này, nền tảng giáo dục đóng vai trò quan trọng, đặc biệt với những cơ sở giáo dục như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhiệm vụ của giáo dục là cải thiện chất lượng nhân lực thông qua những khía cạnh rất quan trọng như nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hóa.

Nhìn nhận về xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam, GS. Peter J. Morgan chia sẻ: Nhìn chung, nền kinh tế thế giới không thực sự bi quan, kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh. Trong khi đó, kinh tế châu Âu đang phát triển chậm hơn. Còn kinh tế của Trung Quốc thì gặp vấn đề về đất đai và bất động sản, do vậy nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đang tương đối thấp. Hiện đã có một số thảo luận về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc nhưng vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.

"Nếu Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết và hợp lí thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển tương đối ổn. Điều Việt Nam cần làm khá tương tự với Nhật Bản, đó là cải cách cơ cấu kinh tế, phổ biến phương thức số hóa, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, từ đó sẽ cải thiện mức thu nhập trung bình" - GS. Peter J. Morgan nhận định.

Hà Quyên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dau-tu-co-so-ha-tang-thuc-day-thuong-mai-phat-trien-d52938.html