Đầu tư công vẫn là 'điểm nghẽn'

Trong tuần này, Quốc hội sẽ dành 2 ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đây là một trong những nội dung được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm. Bên cạnh bức tranh nhiều màu 'sáng' bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022, thì vẫn còn một số 'điểm nghẽn' ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển còn chậm.

Một trong những tồn tại đó là, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, tính đến ngày 28.9.2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình. Giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn triển khai chậm... Đáng nói là, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30.9.2022 là 253.148,12 tỷ đồng, mới chỉ đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn với cùng kỳ năm 2021, đạt 47,38%; riêng vốn ODA mới chỉ giải ngân được khoảng 15%. Đây “vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả” - Ủy ban Kinh tế nhận định.

Nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công có sự chênh lệch giữa các địa phương là điều rất đáng suy ngẫm. Trong khi một số địa phương, đơn vị được đánh giá là điểm "sáng" trong giải ngân vốn đầu tư công như: Quảng Ngãi; Hưng Yên; Ngân hàng Chính sách xã hội; Thái Bình; Quảng Ninh; Ninh Bình; Tây Ninh; Thái Nguyên; Bắc Giang; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Rịa - Vũng Tàu; Tiền Giang, thì có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, đạt 46,7%. Trong đó, có tới 14 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công là một vấn đề đã cũ, nhưng lúc nào cũng “nóng” trên diễn đàn Quốc hội. Đây là một "điểm nghẽn" mà nhiều năm qua Quốc hội đã bàn, đã đưa ra giải pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất rốt ráo chỉ đạo nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa về đích như mục tiêu. Có rất nhiều nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra, trong đó có 3 nhóm nguyên nhân chính và một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này, như: do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguồn cung đất đắp nền đường, các địa phương lúng túng trong việc triển khai áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Những nguyên nhân khách quan nêu trên đã được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, sẽ là chưa đủ nếu không đi sâu phân tích nguyên nhân chủ quan dẫn đến giải ngân đầu tư công năm nào cũng chậm. Bởi lẽ, cùng một khung khổ pháp luật, cùng một thể chế chính sách nhưng có bộ, ngành, địa phương giải ngân với tỷ lệ cao, về đích đúng hạn, trong khi vẫn có bộ, ngành giải ngân ỳ ạch.

Điểm "nghẽn" đầu tư công tác động tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gây lãng phí nguồn vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đáng tiếc là câu chuyện đã cũ, điểm “nghẽn” từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Để giải quyết tình trạng này, cần đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, việc giải ngân đầu tư phát triển chưa tốt thì vướng mắc này do đâu? Người đứng đầu đã thực hiện hết vai trò của mình trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải ngân chưa? Các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã thực sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ này chưa? Đặc biệt cần chỉ rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cá nhân, cơ quan dẫn đến tình trạng này.

Nghị quyết số: 41/2021/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai cũng đã nêu rõ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư. Trong năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao.

Yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đã rõ. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Để về đích đúng hạn theo yêu cầu của Quốc hội rất cần sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan, địa phương giải ngân cố tình làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Mong rằng, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tới đây, với sự tâm huyết, trách nhiệm, các đại biểu sẽ phân tích, mổ xẻ và hiến kế các giải pháp hữu hiệu để sớm tháo gỡ được điểm “nghẽn” đầu tư công - điểm “nghẽn” đã xuất hiện nhiều năm trong mỗi kỳ báo cáo.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/dau-tu-cong-van-la-diem-nghen-i304597/