Đầu tư hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc chuyển đổi số (CĐS) toàn diện. Mức độ, tốc độ, hiệu quả xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số phụ thuộc vào sự phát triển của hạ tầng số.
Tại tỉnh Long An, hạ tầng số đã và đang được đầu tư, xây dựng hoàn thiện, phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu CĐS.
1. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Nguyễn Bá Luân cho biết, trong CĐS, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng bảo đảm cho sự thành công của CĐS. Thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng số để phục vụ CĐS. Tỉnh duy trì tổ chức phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh gồm 5 trạm BTS 5G Viettel tại TP.Tân An và các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa.
Đến nay, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 87% (trên tổng số người sử dụng điện thoại di động); hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng đạt 90,6% (vượt mục tiêu Kế hoạch CĐS năm 2024 của tỉnh và theo định hướng của Bộ TT&TT: 85% và 90%).
Đặc biệt, triển khai Kế hoạch số 403/KH-UBND, ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh về phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh năm 2024, tỉnh tổ chức triển khai xóa các vùng lõm sóng trên địa bàn tỉnh và nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động để bảo đảm tốc độ Internet băng rộng di động tối thiểu 40Mbps; chỉ đạo triển khai ứng dụng i-Speed để đo tốc độ truy cập Internet nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ di động 4G.
Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ thuê bao 2G chuyển đổi lên 4G. Trong 9 tháng năm 2024, các doanh nghiệp đã hỗ trợ đổi 33.973 máy lên 4G; hiện toàn tỉnh còn 89.457 thuê bao 2G.
Hạ tầng số trong cơ quan nhà nước cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Hiện nay, 100% sở, ngành tỉnh, UBND các cấp triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng. 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện triển khai mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng. 100% cán bộ, công chức các cấp được trang bị máy tính. Song song đó, các đơn vị chủ động triển khai mua sắm thay thế máy tính cấu hình yếu.
Trung tâm dữ liệu của tỉnh bảo đảm đáp ứng mô hình điện toán đám mây dùng riêng (private cloud), phù hợp tiêu chuẩn Trung tâm dữ liệu theo quy định, các trang thiết bị cho phép ảo hóa, tùy biến ở mức cao theo nhu cầu sử dụng thực tế, bảo đảm vận hành các hệ thống, nền tảng dùng chung phục vụ công tác CĐS trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Công tác quản trị vận hành, giám sát được quan tâm, bảo đảm các hệ thống thông tin hoạt động ổn định, thông suốt. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đáp ứng kết nối 2 chiều toàn tỉnh với công nghệ hiện đại, chất lượng hình ảnh đạt chuẩn HD, hỗ trợ tối đa 250 điểm cầu và 10 phòng họp. Bên cạnh đó, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai hội nghị trực tuyến 2 chiều đến cấp xã.
Tỉnh cũng đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả hệ thống camera giám sát thông minh gồm 121 bộ camera triển khai tại TP.Tân An và 174 bộ camera lắp tại các cửa ngõ, các tuyến đường trọng yếu của tỉnh phục vụ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
2. Tại huyện Đức Hòa, hạ tầng số cũng được quan tâm đầu tư. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Mobifone, Viettel đầu tư, xây dựng hạ tầng thông tin di động trên địa bàn huyện với 519 trạm BTS. Tổng số thuê bao điện thoại thông minh là 485.514/526.529, đạt 92,2%.
Hạ tầng cáp quang được các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT,... đầu tư phủ khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Có 88.548 hộ gia đình đăng ký sử dụng dịch vụ Internet cáp quang do các doanh nghiệp cung cấp.
UBND huyện triển khai mạng nội bộ từ huyện đến xã, đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng thông suốt từ huyện đến cấp xã. Huyện triển khai mô hình Camera giám sát an ninh, trật tự trên địa bàn huyện, hiện lắp đặt 101 camera trên các trục đường chính, kinh phí thực hiện 222 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.
Ông Nguyễn Bá Luân cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hạ tầng số là một trong những yếu tố quan trọng, nền tảng giúp quá trình CĐS diễn ra thuận lợi, thông suốt. Để nền móng này vững chãi, đáp ứng tốt yêu cầu về xây dựng chính quyền số, các giải pháp bảo đảm hạ tầng kỹ thuật được Sở đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung “tạo lập dữ liệu số” và “bảo đảm an toàn thông tin mạng”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dau-tu-ha-tang-so-dap-ung-yeu-cau-chuyen-doi-so-a185303.html