Đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Quan Sơn

Có mặt tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh huyện Quan Sơn (Agribank Quan Sơn) trực thuộc Agribank Thanh Hóa những ngày cuối tháng 6, khách hàng đến giao dịch nhộn nhịp, người thì làm thủ tục vay vốn, người thì trả gốc, lãi vốn vay, có người lại gửi tiền tiết kiệm.

Mô hình trồng rừng của gia đình ông Ngân Văn Hiệp, bản Hiết, xã Sơn Thủy.

Anh Ngân Văn Hiệp ở bản Hiết, xã Sơn Thủy trong lúc chờ cán bộ ngân hàng hoàn tất các thủ tục giải ngân vốn vay 50 triệu đồng, bộc bạch: Từ khi có nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc vay vốn thuận lợi hơn trước rất nhiều, với mức vay từ 100 triệu đồng trở về tôi không phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh, không phải đi lại nhiều. Được biết anh Hiệp là người dân tộc Thái, sinh sống ở khu vực xã vùng cao, cách xa trung tâm huyện nên có tâm lý ngại đi lại, ngại làm các thủ tục giấy tờ vay vốn, nhưng khi được cán bộ Agribank Quan Sơn tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn tận tình các thủ tục vay vốn theo quy định anh rất phấn khởi. Với số vốn vay 50 triệu đồng, anh dự định sẽ đầu tư mua 2 cặp bò sinh sản kết hợp với chăm sóc 2 ha rừng trồng, cấy 2 sào lúa... để phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện vùng cao Quan Sơn đã có hàng nghìn hộ được giải ngân cho vay kịp thời từ chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến trung tuần tháng 6-2020, tổng dư nợ cho vay của Agribank Quan Sơn đạt 250 tỷ đồng, với hơn 2.000 khách hàng đang sử dụng vốn vay. Người dân trên địa bàn huyện Quan Sơn không chỉ được thụ hưởng những quy định từ Nghị định 55/2015/NĐ-CP (NĐ55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mà còn được hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay theo Chương trình 30a hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo trong cả nước, nên rất phấn khởi. Không ít người dân, hộ gia đình trước đây có tâm lý ngại đi, ngại đến, ngại tìm hiểu, tự bằng lòng với cái nghèo vốn đeo đẳng nhiều đời, đến nay đã đổi mới tư duy, nhận thức, biết đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của đồi rừng để phát triển kinh tế gia đình. Họ vay vốn trồng cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng, chế biến lâm sản, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp... Được biết, sau hơn 5 năm triển khai NĐ55 ở huyện vùng cao Quan Sơn đã mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Nhiều hộ vay vốn phát triển sản xuất đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định, như: Hộ anh Vi Văn Mới ở bản Lốc, xã Sơn Thủy vay vốn nuôi gà thả vườn kết hợp nuôi trâu, kinh doanh dịch vụ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; hộ chị Đỗ Thị Lệ ở xã Trung Tiến vay vốn phát triển chăn nuôi, cải tạo rừng luồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Hồng Thanh Chương - Giám đốc Agribank Quan Sơn, cho biết: “Nắm bắt nhu cầu vốn vay phát triển sản xuất của bà con các dân tộc trong huyện, ngân hàng đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các xã đẩy mạnh tuyên truyền NĐ55 cùng các dịch vụ tiện ích của hệ thống ngân hàng nông nghiệp đến khu dân cư, hộ gia đình; phân công cán bộ bám nắm địa bàn, chủ động tư vấn, hướng dẫn cho người dân các thủ tục vay vốn, cách thức sử dụng vốn vay sao cho có hiệu quả. 100% xã, thị trấn trong huyện đều thành lập ban chỉ đạo vay vốn và việc đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác huy động vốn, cho vay vốn cũng được tiến hành thường xuyên. Nhất là để giảm bớt các thủ tục phiền hà và đi lại của người dân, hàng tháng ngân hàng đã cử cán bộ trực tiếp đến địa bàn thu lãi, gốc theo định kỳ. Nhìn chung, các khách hàng đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt các quy định về trả lãi, gốc, chất lượng tín dụng bảo đảm.

Hiện, Agribank Quan Sơn đang tiếp tục tập trung làm tốt việc huy động vốn, triển khai các chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm và các dịch vụ tiện ích của hệ thống Agribank đến khu dân cư phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên do đặc thù huyện vùng núi cao, mặt bằng thu nhập dân cư thấp, nguồn tiền nhàn rỗi huy động tại chỗ chưa cao, trong khi đa số vốn vay còn nhỏ lẻ, nhiều trường hợp sau đầu tư chưa có sự bứt phá. Trước thực tế trên, ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh huy động vốn trong những tháng cuối năm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện NĐ55, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong huyện tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/dau-tu-tin-dung-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-tai-huyen-quan-son/122046.htm