Đầu tư và môi trường
Sau vụ cá chết hàng loạt trên vùng biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế đã làm cho ngư dân các tỉnh này đành phải 'gác chèo'. Vụ việc đã nóng càng thêm nóng khi Giám đốc Đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh 'trắng phớ' rằng 'được cái này thì mất cái kia', nghĩa là chọn tôm cá hoặc nhà máy thép hiện đại. Khi các bộ, ngành chức năng, kể cả các nhà khoa học còn đang 'lao tâm khổ tứ' để tìm cho ra nguyên nhân cá chết hàng loạt thì có một thợ lặn chết, 4 người khác vào viện cấp cứu khi đang hoạt động trong khu vực này. Và cho đến bây giờ, nguyên nhân vẫn chưa 'hạ hồi phân giải'?
Nguyên nhân chưa tìm ra cùng những phát ngôn "gây sốc" tuy có gây bức xúc trong xã hội, nhất là với ngư dân "sống nhờ" biển của 4 tỉnh này, song qua thời gian, tất cả lại trở về cuộc sống bình thường. Cái đáng bàn, đáng nói, đáng nghĩ và đáng lo lắng ở đây là làm thế nào để có sự hòa hợp trên tất cả các lợi ích giữa đầu tư và môi trường.
Việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp hiện đại là cần thiết và tất yếu. Lợi ích về thu hút đầu tư nước ngoài có lẽ ai cũng thấy. Muốn kinh tế đất nước "cất cánh", phát triển ngang tầm thì phải thu hút đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với các nước "chậm" phát triển và đang phát triển như chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, không phải cần thu hút đầu tư mà bất chấp tất cả những vấn đề có liên quan đến môi trường, nhất là môi trường sống của con người. Với một quốc gia ven biển như Việt Nam thì môi trường sống của con người liên quan rất chặt chẽ đến môi trường sống tự nhiên.
Muốn có đầu tư thì môi trường đầu tư phải tốt, bởi những nhà đầu tư chỉ đầu tư khi thấy "lợi nhuận" trong đó. Song, môi trường đầu tư lại muốn có "lãi" trong môi trường của mình một sự đầu tư sinh lời và sạch. Và trên một góc nhìn kinh tế thì, để có môi trường tốt, thu hút đầu tư cũng là một cách đầu tư. Như vậy đủ thấy, giữa đầu tư và môi trường luôn có những mối quan hệ chặt chẽ và "bình đẳng".
Việc làm thế nào để thu hút đầu tư; việc làm sao để có đầu tư "sạch", bình đẳng, rất cần có cái nhìn khách quan, thẳng thắn, kỹ lưỡng, "cân đong đo đếm" có trước có sau, kể cả trước mắt và lâu dài. Đầu tư và môi trường sống cần phải có sự hài hòa của các lợi ích. Đó mới là cái đích cần tới.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dau-tu-va-moi-truong/