Đầu xuân về Thanh Hải xem múa rối nước
Với các tích trò hấp dẫn được biểu diễn chuyên nghiệp, phường múa rối nước Thanh Hải (Thanh Hà) đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức ngay từ mùng 4 Tết Giáp Thìn.
Đúng 15 giờ chiều 13/2 (mùng 4 Tết), đoàn khách nước ngoài đã cập bến sông Thái Bình đến với phường rối nước Thanh Hải như đã đặt lịch trước. Đoàn có 30 người ở các nước Anh, Canada, Pháp, Úc… đến Việt Nam du lịch. Trong hành trình ấy, “xông đất” phường rối nước Thanh Hải là chuyến tham quan xa Thủ đô Hà Nội đầu tiên của các vị khách nước ngoài.
Bà Christine, người Anh cho biết đã đến Việt Nam từ đêm 30 Tết, cùng đón Tết cổ truyền với những người bạn, sau đó đi tham quan một số điểm ở Hà Nội nhưng về phường rối nước Thanh Hải là chuyến đi xa trung tâm thủ đô nhất. “Tôi rất thích các tích trò, những người múa rối nước thật tuyệt vời”, bà Christine vui vẻ nói.
Trong buổi chiều, phường múa rối đã biểu diễn 7 tích trò gồm: Tễu giáo đầu, câu ếch, rồng đốt lá đề, đi cấy, chọi trâu… Các tích trò gần gũi với làng quê, đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn Việt Nam. Bên cạnh du khách nước ngoài, buổi biểu diễn đã thu hút nhiều người dân địa phương đến xem.
Mỗi năm, phường rối nước Thanh Hải đón khoảng 20 đoàn khách nước ngoài. Năm 2023 có nhiều khởi sắc khi nhiều trường học đưa học sinh về tham quan, trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước. Ông Phạm Khắc Xoa, Trưởng Phường rối nước Thanh Hải cho biết những năm gần đây phường đã kết nối nhiều trường học trong tỉnh thu hút học sinh về xem các tích trò, giới thiệu nghệ thuật truyền thống của địa phương.
“Khi có đoàn khách nước ngoài, tôi thường liên hệ với Trường Tiểu học và THCS xã Thanh Hải để giáo viên dạy tiếng Anh và học sinh có thể dành thời gian ra giao lưu với du khách. Đó cũng là cách mà chúng tôi đang dần đưa nghệ thuật múa rối nước gần hơn với người trẻ ngày nay”, ông Xoa nói.
Rối nước Thanh Hải có từ hơn 300 năm nay. Trước đây, các tích trò chỉ được thể hiện thông qua một vài nghệ nhân già trong làng và là thú chơi của một số người. Đến năm 1999, một số người yêu nghệ thuật múa rối nước ở thôn An Liệt tập hợp lại khôi phục nghề truyền thống này. Lúc đầu chỉ có 20 người nhưng đến nay tăng lên 29 người tham gia vào phường múa rối nước.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dau-xuan-ve-thanh-hai-xem-mua-roi-nuoc-373026.html