Dạy học trực tuyến lúc dịch Covid-19, các trường có được thu tiền?
Bộ GD-ĐT công nhận kết quả dạy học trực tuyến khi phòng chống dịch Covid-19. Giáo viên các trường mất nhiều thời gian đầu tư cho các bài giảng online. Tuy công sức bỏ ra nhiều nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội lại không cho phép các trường thu tiền học online.
Cấm thu tiền: Giáo viên vô vàn khó khăn
Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình trong thời gian học sinh không đến trường để phòng chống dịch Covid-19. Khi học sinh đi học trở lại, các trường sẽ đánh giá kết quả học tập qua internet và truyền hình, các trường học cũng căng mình tổ chức các lớp học từ xa, qua truyền hình và học trực tuyến.
Hằng ngày, đúng 7 giờ 15 phút và 13 giờ 5 phút, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành sẽ điểm danh, trong khi hầu hết học sinh có mặt trước máy tính từ 5-10 phút để bắt đầu tiết học. Sĩ số học sinh cũng được cập nhật ở từng lớp.
Mỗi học sinh của trường đều có một tài khoản trên phần mềm Office365 để học online. Các học sinh nghe giảng và phải trả lời bất cứ câu hỏi nào khi giáo viên bất chợt gọi tên hoặc muốn trao đổi trực tiếp. Mỗi ngày, giáo viên chủ nhiệm đều có tin nhắn nhắc học sinh vào nhóm của lớp để học bài và hoàn thành bài tập theo yêu cầu.
Một giáo viên của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành cho hay các bài giảng được soạn chi tiết từ trước trên PowerPoint để làm sao học sinh dễ hiểu nhất. Sau bài dạy, thầy cô sẽ cung cấp hệ thống các câu hỏi chính, có đáp án để học sinh tự tóm tắt kiến thức mới vừa học. Ngoài ra, giáo viên cũng đưa lên hệ thống bảng câu hỏi trắc nghiệm để học sinh trả lời nhanh, sau đó là phần giao bài tập.
Một giáo viên khác của trường THCS và THPT M. V. Lômônôxốp chia sẻ dạy online không hề nhàn hơn dạy trực tiếp, thậm chí còn vất vả hơn vì khi dạy trực tiếp học sinh ở trường, khi vào lớp học sinh nào hiểu bài, học sinh nào chưa hiểu sẽ giúp các con hiểu bài ngay.
Trong khi dạy online, giáo viên ngày nào cũng phải chấm bài liên tục, thậm chí nhắn tin trả lời những thắc mắc của học sinh bất kể giờ giấc. Bài giảng cũng phải thiết kế theo kiểu online sao cho đúng, đủ, hấp dẫn, hiệu quả chứ không phải cứ nói theo kiểu của mình rồi bỏ mặc học sinh hiểu hay không thì hiểu.
"Giáo viên đầu tư công sức đầu tư cho việc dạy online, kết quả học trực tuyến được Bộ GD-ĐT công nhận nhưng Sở GD-ĐT Hà Nội lại có văn bản không cho các trường thu học phí dạy online, tôi thấy quá bất hợp lý. Trường tư thục không được nhà nước hỗ trợ kinh phí, nếu học sinh vẫn được học online hàng ngày mà không đóng học phí thì trường lấy gì trả lương để các thầy cô soạn bài, giảng bài cho học sinh?"- đại diện một trường tư thục đóng tại quận Cầu Giấy đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Kiến Thiết, đại diện phát ngôn của trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay việc học online là bất khả kháng trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Theo ông Thiết, nếu muốn công nhận kết quả học online, tức là giáo viên phải dạy cho đàng hoàng, chất lượng để có kết quả thực sự mà không cho các trường tư thu tiền thì trường tư lấy gì trả lương cho giáo viên khi họ vẫn ngày đêm cống hiến và thiết kế bài giảng phục vụ học sinh?
"Nếu không có chính sách khuyến khích hay hỗ trợ kịp thời cho giáo viên thì những giáo viên đó phải làm nhiều nghề khác, điều này rất nguy hiểm cho các trường dân lập khi phải gồng mình chống đỡ với giai đoạn này. Nếu giáo viên nghỉ dạy đi làm nghề khác thì sau dịch chúng tôi lấy đâu ra giáo viên?"- ông Nguyễn Kiến Thiết nêu câu hỏi.
Bộ GD-ĐT: Nhà trường và phụ huynh thỏa thuận
Liên quan đến quy định "tuyệt đối không thu tiền của học sinh dưới mọi hình thức" của Sở GD-ĐT Hà Nội, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, ngày 17-3 nhấn mạnh không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, cũng như học phí đối với tháng đi học bù.
Tuy nhiên ông Khánh cho rằng cho rằng việc thu phí để dạy và học online là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này, tránh tình trạng học sinh sinh viên nghỉ học quá dài do tình thế khách quan nghỉ chống dịch.
"Dịch vụ hỗ trợ học online là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm"- ông Khánh nói.
Theo Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai.
Ngày 16-3, Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến.
Theo đó, Sở GD-ĐT TP HCM yêu cầu hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến qua cổng thông tin điện tử.
Đồng thời, khuyến khích các công ty, tổ chức, trung tâm cung cấp chương trình dạy học có thể rèn luyện hoặc dạy bài mới theo hình thức trực tuyến miễn phí hoặc trên cơ sở thỏa thuận.
Khi học sinh đi học trở lại, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet nhằm tối ưu hóa thời gian và nội dung kiến thức, tiếp tục dạy chương trình theo quy định