Đẩy mạnh công tác xác lập chuyên án của lực lượng cảnh sát nhân dân

Trong nhiều vụ án, tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp sẽ đề nghị xác lập chuyên án để phòng ngừa, ngăn chặn và khám phá, truy bắt tội phạm, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả. Từ thực tế đấu tranh với tội phạm tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, việc xác lập chuyên án đã đem lại hiệu quả rất rõ nét, trực tiếp giải quyết các yêu cầu mà những hoạt động điều tra khác không thể thực hiện được.

 Đại tá Trần Xuân Vĩnh -Phó Giám đốc Công an tỉnh trao thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án về ma túy -Ảnh: T.N

Đại tá Trần Xuân Vĩnh -Phó Giám đốc Công an tỉnh trao thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án về ma túy -Ảnh: T.N

Trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, công tác xác lập, đấu tranh chuyên án là một trong những mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng công an. Công tác này giữ vai trò hết sức quan trọng, thể hiện uy thế trấn áp mạnh các loại tội phạm. Trên cơ sở tình hình phạm pháp hình sự và hoạt động của tội phạm hình sự trên địa bàn thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát nhân dân đã tích cực, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh tập trung kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt công tác xác lập, đấu tranh chuyên án, xác định đối tượng cần tập trung đấu tranh trong từng giai đoạn cụ thể, định hướng cho lực lượng cảnh sát nhân dân toàn tỉnh thực hiện.

Công tác đấu tranh chuyên án của Công an tỉnh được nâng lên về số lượng và chất lượng, có tác dụng trấn áp tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội ở các địa bàn trọng điểm, các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) gây bức xúc dư luận xã hội. Trong 5 năm (2015 - 2020), các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã xác lập hàng trăm chuyên án, bắt giữ nhiều băng nhóm, đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, điển hình là các chuyên án như: 207G về đấu tranh với đường dây làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả liên tỉnh năm 2020; 009N về đấu tranh với tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ năm 2018; 418M về đấu tranh với tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy năm 2021…

Quá trình xác lập các chuyên án đều đảm bảo đúng các quy định; quá trình đấu tranh đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của ngành, phối hợp, huy động tổng hợp các lực lượng, tập trung chỉ huy, chỉ đạo, triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Lực lượng làm nhiệm vụ không quản ngại khó khăn, gian khổ để truy bắt đối tượng gây án, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia đấu tranh chuyên án.

Việc đấu tranh thành công Chuyên án 207G là một ví dụ. Vào cuối năm 2020, qua công tác trinh sát, Công an huyện Vĩnh Linh phát hiện trên địa bàn có hoạt động dùng tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau để mua bán hàng hóa. Nhận định có khả năng tồn tại một đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả nên Công an huyện Vĩnh Linh đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh xác lập chuyên án mang bí số 207G để đấu tranh.

Sau khi chuyên án 207G được xác lập, các trinh sát, điều tra viên dày dặn kinh nghiệm từ các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an huyện Vĩnh Linh được điều động tham gia ban chuyên án. Quá trình điều tra, xác minh, ban chuyên án đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ và đã chứng minh được hành vi phạm tội của 2 đối tượng Lê Hữu Bắc và Nguyễn Văn Kiên (cùng sinh năm 1988), trú tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh.

Cụ thể, trong thời gian sinh sống tại TP. Đà Nẵng, Kiên có quen biết với Nguyễn Thanh Tường (sinh năm 1993) trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Trong quá trình đó, Kiên đã nhiều lần nhận tiền giả có mệnh giá 500 ngàn đồng từ Tường, sau đó đưa cho Lê Đa Nam (sinh năm 1994), hộ khẩu thường trú tại thôn Sa Bắc, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tạm trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng để Nam đưa ra Quảng Trị tiêu thụ.

Đối tượng Lê Hữu Bắc khai nhận đã nhiều lần chở Nam đi về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, vào các chợ, quán tạp hóa dùng tiền mệnh giá 500 ngàn đồng mua hàng hóa giá trị thấp để lấy lại tiền thừa. Từ lời khai của Bắc và Kiên, kết hợp với các tài liệu, chứng cứ khác, ban chuyên án đã phối hợp với Công an quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng thực hiện lệnh khám xét nơi ở và lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thanh Tường, Phạm Mạnh Đức (sinh năm 1998) trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng và Lê Đa Nam về hành vi “làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Qua quá trình khám xét, Cơ quan Công an đã thu giữ được các loại tiền giả và một số phương tiện máy móc, tài liệu liên quan đến việc sản xuất tiền giả.

Từ kết quả đấu tranh các chuyên án, lực lượng cảnh sát hình sự đã khám phá thành công, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm như giết người, trộm cắp tài sản, đánh bạc qua mạng…; xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, góp phần răn đe và kéo giảm tội phạm trên địa bàn qua từng năm (năm 2015 xảy ra 612 vụ, đến năm 2020 chỉ xảy ra 339 vụ); nâng cao hiệu quả điều tra, khám phá án hình sự hàng năm đạt trên 80%, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao. Nhiều chuyên án khám phá thành công để lại ấn tượng tốt đẹp, được cấp ủy, chính quyền các cấp, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đây cũng là bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác của lực lượng công an nhân dân.

Kết quả đạt được đã khẳng định vững chắc quan điểm đấu tranh chuyên án là một hình thức tổ chức hoạt động nghiệp vụ đặc biệt quan trọng của lực lượng công an nhân dân nói chung và lực lượng cảnh sát nhân dân nói riêng. Qua đấu tranh chuyên án, lực lượng cảnh sát nhân dân đã làm tốt công tác tham mưu, kiến nghị, khắc phục một số sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về ANTT, góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=163854&title=day-manh-cong-tac-xac-lap-chuyen-an-cua-luc-luong-canh-sat-nhan-dan