Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp Việt - Lào

Tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Lào ngày 27.2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, thị trường Lào tuy nhỏ, sức mua thấp nhưng đây là cửa ngõ để vào thị trường Thái Lan, phía Bắc Trung Quốc.

Giao thương càng mạnh, vị thế đất nước càng vững

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Lào hiện đứng đầu trong 80 quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư. Việt Nam có gần 240 dự án đầu tư tại Lào với vốn đầu tư gần 5,4 tỷ USD; riêng nông nghiệp có 49 dự án, vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Lào có khoảng 7 triệu héc ta đất nông nghiệp, phần lớn canh tác thủ công truyền thống, do đó có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã phối hợp với Lào để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việt Nam cũng có chính sách ưu đãi đầu tư nông nghiệp tại Lào, như Quyết định 482/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Doanh nghiệp đầu tư các tỉnh thuộc phạm vi biên giới Lào được hưởng ưu đãi cao nhất.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Thượng tá Bùi Văn Quỳ nhận định, nếu giao thương Việt Nam - Lào càng mạnh, càng gắn bó thì chúng ta được bảo vệ càng vững chắc. Hiện, Tân cảng Sài Gòn có 55% thị phần xuất nhập khẩu của cả nước trong chuỗi cung ứng, có 16 cảng, chủ yếu ở Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và đang tiên phong vào thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan, mở tuyến dịch vụ container kết nối các nhà đầu tư. Tân Cảng rất sẵn lòng hỗ trợ cho các doanh nghiệp để tăng cường hợp tác, có chiến lược logistics để thúc đẩy thương mại Việt Nam - Lào phát triển. Bởi vì Lào sẽ là cửa ngõ trung tâm logistics, khi tuyến cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, Vũng Áng - Viêng Chăn hoạt động sẽ rất nhộn nhịp, mở ra cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hợp tác nông nghiệp Việt - Lào còn nhiều dư địa phát triển

Hợp tác nông nghiệp Việt - Lào còn nhiều dư địa phát triển

Sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Lào

Tuy có nhiều tiềm năng, nhưng Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung cũng lưu ý, Lào còn hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực... "Chúng ta phải thích ứng môi trường của Lào". Đơn cử, đất nông nghiệp ở Lào phần lớn đã có chủ. Hiện Lào cũng thắt chặt vấn đề sử dụng đất. Vì vậy, làm việc với doanh nghiệp, chủ đất là con đường nhanh nhất tiến vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Lào chưa có quy hoạch tổng thể, chính sách hỗ trợ ưu đãi, chiến lược phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại. “Chúng tôi đang rất tích cực trao đổi với phía bạn để có kế hoạch tốt, chương trình cụ thể khi đầu tư tại Lào. Ngoài ra, sẽ tạo thuận lợi để thủ tục chính sách đầu tư sang Lào được nhanh nhất”, ông Chung nhấn mạnh.

Muốn đầu tư vào sản xuất, trước tiên phải có hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi, nhưng thực tế Lào đang gặp khó về vấn đề này. Đa số các chuyên gia, doanh nghiệp tại hội nghị đều mong muốn các bộ, ngành hai nước hỗ trợ phát triển hạ tầng, thủy lợi, ngành hàng nông sản cho Lào. Thời gian tới, ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cần hỗ trợ Lào về đường lối, thủ tục thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiến tới thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt - Lào.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, mỗi thị trường đều có vai trò quan trọng với nền nông nghiệp nước ta. Quy mô thị trường Lào tuy nhỏ, sức mua thấp nhưng đây là cửa ngõ để chúng ta vào thị trường Thái Lan, phía Bắc Trung Quốc. Cần nhìn nhận như vậy để thúc đẩy hợp tác. Bộ trưởng cũng thông tin, trong tháng 3 hoặc tháng 4 tới sẽ ra mắt Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và Lào cũng sẽ thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Lào hợp tác với Việt Nam để cùng nhau phát triển.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/day-manh-hop-tac-nong-nghiep-viet-lao-i317349/