Đẩy mạnh kết nối giao thông, khơi thông tiềm năng phát triển

Trong hai năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc phát triển hạ tầng giao thông, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Đèo Prenn nhìn từ trên cao

Đèo Prenn nhìn từ trên cao

QUY HOẠCH ĐỒNG BỘ, ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM

Điểm nhấn đáng chú ý là việc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng đã được tích hợp vào Quy hoạch vùng, tạo nên một tầm nhìn chiến lược rõ ràng cho sự phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Sở GTVT Lâm Đồng cũng đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại TP Đà Lạt.

Tiêu điểm trong đầu tư là các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng là các dự án: Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công; tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt đang được nghiên cứu, khảo sát để đề xuất sớm triển khai; cải tạo, nâng cấp QL20, QL28B; các công trình giao thông liên tỉnh như cầu Mỏ Vẹt, đường ĐT722, ĐT725... cũng đang được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - xã hội giữa các địa phương. Bên cạnh đó, Lâm Đồng đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng trong hệ thống đường tỉnh, đường vành đai, góp phần giảm tải cho các tuyến đường huyết mạch, tăng hiệu quả giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, hai Dự án Nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương và đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong kết nối giao thông của Lâm Đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Tây Nguyên. Trong đó Cảng hàng không Liên Khương đã được nâng cấp lên sân bay quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch và giao thương. Dự án Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đang được đẩy nhanh tiến độ, hứa hẹn sẽ khôi phục lại một tuyến giao thông lịch sử và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

Có thể thấy rằng, trong hai năm qua, Sở GTVT Lâm Đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc nỗ lực cải thiện và mở rộng kết nối giao thông đối nội và đối ngoại của tỉnh, điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhìn vào cụ thể từng vùng, từng địa phương thì còn nhiều việc cần làm.

Trong thời gian tới, ngành GTVT Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ để đảm bảo chất lượng và độ bền vững của hạ tầng giao thông. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ ưu tiên đầu tư vào các tuyến giao thông trọng điểm, có tính kết nối liên vùng như QL 27, QL 55. Bên cạnh đó, việc nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E và xúc tiến mở thêm các chuyến bay nội địa, quốc tế cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, Dự án Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt và cải tạo ga Đà Lạt đang được triển khai theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để sớm khởi công Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Đồng thời, các dự án giao thông khác như cải tạo, nâng cấp QL 28B, đường nối từ Ninh Sơn (Ninh Thuận) đến ngã tư Tà Năng (Đức Trọng) cũng được đẩy nhanh tiến độ.

Song song đó, tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung xây dựng kế hoạch phát triển các trục giao thông đối nội theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, các đường vành đai, đường tránh đô thị và các trục kết nối liên vùng huyện. Mục tiêu là hình thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng công trình giao thông cũng được đặc biệt chú trọng.

Với những nỗ lực không ngừng, Lâm Đồng đang từng bước xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch và đầu tư.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/day-manh-ket-noi-giao-thong-khoi-thong-tiem-nang-phat-trien-7b0191b/