Đẩy mạnh kiểm soát gian lận thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chiều ngày 6 và sáng ngày 7/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục phiên họp với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn - Ảnh: VGP

Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn về: hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường, phòng, chống gian lận thương mại; phát triển ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp…

Sẽ có giải pháp toàn diện phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) và nhiều đại biểu khác đặt vấn đề, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng, Quốc hội đã có nghị quyết riêng về vấn đề này, tuy nhiên lĩnh vực này phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm về hạn chế này và giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thực tế CNHT của Việt Nam đã có nhiều chính sách để phát triển, tuy nhiên, CNHT của nước ta chưa phát triển và chưa đạt được yêu cầu cũng như kỳ vọng. Nguyên nhân là do trình độ phát triển kinh tế, sự tương tác trong các mối quan hệ với các nền kinh tế khác, chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh nên phần lớn các ngành CNHT nước ta phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu. Chúng ta chưa có đủ điều kiện để đảm bảo năng lực cạnh tranh của sản phẩm CNHT.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách CNHT, kể cả sau khi có nghị quyết của Quốc hội, chúng ta vẫn còn chậm. Mặc dù đã có Nghị định 111 về phát triển CNHT vào cuối năm 2018, nhưng đến nay những nguồn hỗ trợ từ ngân sách cho doanh nghiệp CNHT và phần lớn các DNNVV của chúng ta trong đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng nêu ra một số nguyên nhân lớn hiện nay vẫn còn đang vướng mắc, chưa gỡ hết. Đó là công tác về thị trường. Nếu như không có những thị trường mà trong đó các doanh nghiệp FDI đang dẫn dắt, cũng như một số ngành công nghiệp của chúng ta chưa phát triển được sẽ rất khó cho các doanh nghiệp CNHT có điều kiện phát triển và tham gia vào chuỗi. Bên cạnh đó, do điều kiện của DNNVV còn nhiều khó khăn nên khả năng đầu tư cho phát triển, kể cả việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất trong CNHT cũng còn hạn chế. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ khác về nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý của các DN còn vướng mắc, chưa có một cơ chế đủ mạnh để tháo gỡ...

"Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình Chính phủ về phát triển CNHT, trong đó định hướng một số nội dung cơ bản bao gồm: tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển. Về dài hạn, sẽ tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Cùng với đó là tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó một số ngành như công nghiệp năng lượng, công nghiệp về cơ khí chính xác, cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho CNHT có điều kiện phát triển. Tiếp tục tranh thủ những điều kiện của các FTA và các hiệp định thương mại tự do để định hướng cho các DN tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới.

Ngoài ra, Bộ cũng tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ cho DN CNHT của nước ta tiếp cận.

Kiểm soát tốt gian lận thương mại

Trả lời chất vấn đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) về tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để truyền tải bất hợp pháp hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc xuất khẩu đi các nước khác đã được cảnh báo từ lâu nhưng chậm được phát hiện và xử lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nước ta đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đã ký kết. Chúng ta đã có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác, điều đó đang tạo lợi thế cho hàng hóa nước ta thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác.

Hàng loạt các quốc gia đã tham gia ký kết, từ các nước trong FTA của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand cũng như các giao dịch thương mại tự do CPTPP đã có hiệu lực và Hiệp định EVFTA sắp tới có hiệu lực sẽ mang lại những cơ hội cho nước ta trong tăng trưởng về xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác. Ngay từ những năm 2016-2017, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận thức rõ những thách thức và nguy cơ này. Thông tin vừa qua liên quan đến vụ xuất khẩu của một doanh nghiệp đầu tư về nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng nguyên liệu là nhôm đùn và các loại nhôm thành phẩm khác để tiếp tục có sản phẩm xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu... Đây là hành vi gian lận thương mại cần được ngăn chặn.

“Ngay từ thời điểm đó, thông qua những thông tin có được, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra thực tế các hoạt động của những doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể. Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế”, Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo thông tin của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hàng loạt các lĩnh vực khác trong thời gian qua như các sản phẩm về thiết bị điện tử, máy tính, các sản phẩm của dệt may, da giày và đặc biệt là gỗ dán và các sản phẩm gỗ cũng có những dấu hiệu lợi dụng, gian lận thương mại và truyền tải bất hợp pháp để lẩn tránh các thuế phòng vệ và thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước khác đã được phát hiện.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp và báo cáo với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cùng phối hợp, quản lý và xử lý những vấn đề này. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, trong đó tập trung đấu tranh những hành động gian lận xuất xứ thương mại và gian lận thương mại nói chung với 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, các bộ quản lý nhà nước gồm Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương để đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động sử dụng gian lận xuất xứ Việt Nam cũng như truyền tải đầu tư bất hợp pháp.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/day-manh-kiem-soat-gian-lan-thuong-mai-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-94379.html