Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò khá quan trọng, làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này để từng bước mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chính là rất cần thiết.
Công nghiệp (CN) hỗ trợ đóng vai trò khá quan trọng, làm nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này để từng bước mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy lĩnh vực CN chính là rất cần thiết.
Nhiều tiềm năng
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 25 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CN hỗ trợ, nhưng sự phát triển của các đơn vị còn chậm. Tổng giá trị sản xuất của ngành CN hỗ trợ ở Khánh Hòa chỉ chiếm 4,4% tổng giá trị sản xuất CN toàn tỉnh; hàng năm đóng góp ngân sách khoảng 35 tỷ đồng. Tổng số lao động ngành CN hỗ trợ sử dụng chiếm khoảng 9,5% lao động ngành CN. CN hỗ trợ hiện nay tập trung tham gia vào các lĩnh vực: Dệt may, cơ khí, CN điện, điện tử.
Tuy chưa được đánh giá cao, song lĩnh vực CN này vẫn được xem là ngành có rất nhiều tiềm năng. Trong đó, dệt may - da giày được xem là ngành có cơ hội cho CN hỗ trợ phát triển. Hiện nay, lĩnh vực này có hơn 50 DN đang hoạt động nên sẽ đem đến khá nhiều công việc cho các đơn vị phụ trợ. Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đang triển khai hàng loạt dự án điện mặt trời, nhiệt điện… cũng mở ra một tiềm năng mới. Đây chính là cơ hội cho CN hỗ trợ điện chiếm lĩnh thị trường, tạo đà bứt phá.
Đặc biệt, CN hỗ trợ đóng tàu từ lâu được xem là thế mạnh của CN cơ khí Khánh Hòa. Trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm tập trung nhiều DN làm nhà thầu phụ cho Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) và Nhà máy đóng tàu Cam Ranh. Những hạng mục phụ trợ mà các DN cơ khí thường xuyên thi công gồm: lan can, cầu thang, thông gió, ống khói, sàn thao tác... của tàu thủy. Những sản phẩm này đều được đánh giá cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Phạm Văn Lượm - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Bảo (Cụm Công nghiệp Diên Phú) cho biết: “CN hỗ trợ đóng tàu của Khánh Hòa thuộc diện tốp đầu cả nước. So với các địa phương khác, chúng ta có nhiều lợi thế bởi sự hiện diện của nhiều công ty đóng tàu lớn. Trong đó, HVS được xem là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tàu thủy của thế giới. Các sản phẩm mà doanh nghiệp này đặt hàng luôn đòi hỏi tiêu chuẩn về kỹ thuật rất cao nên giúp cho ngành cơ khí phụ trợ đóng tàu của Khánh Hòa nhanh chóng tiếp cận được với những tiêu chuẩn quốc tế”.
Thêm trợ lực
Được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nhưng CN hỗ trợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các DN trong lĩnh vực này đang gặp trở ngại về vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn lực hạn chế… nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày một tăng cao, khả năng cạnh tranh thấp. Đặc biệt, sản xuất CN đang bước vào thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi tỷ lệ tự động hóa rất cao.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn mà lĩnh vực này gặp phải, trong Chương trình phát triển CN hỗ trợ đến năm 2025, UBND tỉnh xác định ưu tiên phát triển CN hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh và tính năng động của DN trên địa bàn, tạo sức hút cho các nhà đầu tư. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2025 là tạo hành lang thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này phát triển. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và hình thành các khu CN, cụm CN liên ngành phục vụ CN hỗ trợ. Tỉnh xác định 4 lĩnh vực được chú trọng đầu tư gồm: cơ khí; dệt may, da giày; điện tử, thiết bị điện và lĩnh vực CN công nghệ cao. Dự kiến, Nhà nước sẽ chi gần 8 tỷ đồng để hỗ trợ 4 lĩnh vực CN đã nêu.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các DN của lĩnh vực CN chính cũng tạo điều kiện để đơn vị hỗ trợ có điều kiện phát triển. Những vấn đề về vốn, kỹ thuật được chú trọng và tháo gỡ từng phần. Ông Go Jin Young - Tổng Giám đốc HVS cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ về vốn để các DN sản xuất phụ trợ mua nguyên liệu. Đồng thời, công ty cũng cử chuyên gia hỗ trợ về mặt bản vẽ, công nghệ cho những đơn vị phụ trợ ngành đóng tàu. Hiện nay, các DN đáp ứng rất tốt yêu cầu đặt ra, tạo nên chuỗi cung ứng, sản xuất và hoàn thiện các hạng mục phụ của tàu biển. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy ngành CN đóng tàu ngày càng phát triển, đạt trình độ cao hơn”.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để CN hỗ trợ phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, các vấn đề về thu hút đầu tư, thay đổi tư duy quản lý, vốn… được xác định là giải pháp chính. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường cũng được xem là động lực cơ bản cho CN hỗ trợ. Theo ông Ngoạn, khi các khu CN, cụm CN mới của tỉnh hoàn thành cơ sở hạ tầng, khả năng kêu gọi đầu tư sẽ tốt hơn và CN hỗ trợ sẽ có thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp và sự hỗ trợ của chính quyền, các DN cũng cần tự thân vận động, chủ động trong việc thay đổi công nghệ, thiết bị để bắt kịp xu thế của thị trường.
Đình Lâm