Đẩy mạnh phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã triển khai và thực hiện hiệu quả phong trào 'Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp'; qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên lập nghiệp hiệu quả, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế.

Mô hình trồng bí nụ của chị Thạch Thị Hén, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.

Mô hình trồng bí nụ của chị Thạch Thị Hén, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.

Chị Thạch Thị Hén (sinh năm 1986), Bí thư Chi đoàn ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú là một điển hình tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế ngoại thương, Trường Đại học Cần Thơ chị Thạch Thị Hén không xin việc làm ở các cơ quan, doanh nghiệp mà chọn nghề trồng trọt và chăn nuôi làm mô hình phát triển kinh tế gia đình. Khi đó, chị vừa làm kinh tế vừa tham gia công tác Đoàn tại địa phương.

Chị Hén chia sẻ: sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nên từ nhỏ chị đã quen với việc đồng áng. Sau khi ra trường, chị chọn nghề nông để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa có thể ở chung chăm sóc cha mẹ.

Trước đây, gia đình chị canh tác lúa và trồng thêm một số loại rau màu nhưng do trồng nhỏ lẻ nên không đạt hiệu quả cao. Với diện tích 01ha đất ruộng của gia đình, chị Hén chia nhỏ diện tích để trồng lúa vừa trồng xen canh các loại hoa màu như: khổ qua, bắp, bí đỏ.

Chị Hén cho biết: tôi vừa kết thúc vụ khổ qua với diện tích 0,2ha đất, thu hoạch trên 06 tấn, với giá bán dao động từ 6.000 - 12.000 đồng/kg, lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Trồng khổ qua chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc hơn so với trồng các loại cây khác như dưa leo, mướp vì khổ qua ít bị sâu bệnh, thời gian thu hoạch kéo dài và điều quan trọng là không bị dội chợ, có thể trồng được từ 03 - 04 vụ/năm. Ngoài trồng khổ qua, tôi còn trồng thêm 0,2ha bí nụ và mới xuống giống 0,2ha khổ qua sẽ cho thu hoạch vào dịp Lễ hội Ok Om Bok năm nay.

Bên cạnh mô hình trồng trọt thì chị Hén cũng tận dụng nguồn cỏ, rơm để nuôi thêm 04 con bò sinh sản, mỗi năm gia đình chị thu nhập thêm từ 20 - 30 triệu đồng từ việc bán bê con; từ các mô hình, gia đình chị Hén thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Chị Liêng Thị Diễm Thương, Bí thư Xã Đoàn Hàm Giang cho biết: chị Thạch Thị Hén là tấm gương điển hình trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại địa phương. Là Bí thư Chi đoàn, hàng năm chị Hén luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Đoàn ở cơ sở.

Thời gian qua, công tác đồng hành với thanh niên trong tư vấn, giới thiệu việc làm tiếp tục được các cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện, tập trung nhiều ở đối tượng thanh niên là học sinh khối THPT. Trong 09 tháng năm 2024, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 29.563 lượt ĐVTN, học sinh; phối hợp giới thiệu việc làm cho trên 10.701 ĐVTN (3.572 ĐVTN được Đoàn tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động); phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho 832 thanh niên xuất ngũ trở về địa phương.

Nổi bật trong chuỗi các hoạt động hướng nghiệp là Ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh năm học 2023 - 2024 do Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trung tâm Sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh, có 14 đơn vị đồng hành là các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, thu hút hơn 2.000 học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia.

Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn tiếp tục hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật cho các mô hình khởi nghiệp của thanh niên như: nuôi cá trê không bùn, ốc bươu xông khói, nuôi dê thịt, nuôi ốc bươu, Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, Những lốp xe nở hoa... qua đó, các cấp bộ Đoàn tham gia hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.

Đến nay, tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua Đoàn Thanh niên quản lý trên 518,587 tỷ đồng với 345 tổ tiết kiệm và vay vốn, có 14.925 hộ vay, tổng dư nợ quá hạn 880 triệu đồng. Quỹ quốc gia về việc làm (vốn 120) của Trung ương Đoàn 988 triệu đồng; vận động thành lập Quỹ Lập thân, lập nghiệp (do Tỉnh Đoàn vận động, hiện chuyển về Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp quản lý) với số tiền 375 triệu đồng. Việc xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế được các cấp bộ Đoàn đặc biệt quan tâm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 249 mô hình kinh tế trong thanh niên; trong đó, 151 mô hình kinh tế; 06 mô hình hợp tác xã do thanh niên làm chủ; 92 tổ hợp tác có 2.708 ĐVTN tham gia.

Theo anh Nguyễn Thanh Nhã, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Trà Vinh, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những hoạt động thiết thực đối với thanh niên, nhất là những thanh niên nông thôn, thời gian tới các cấp bộ Đoàn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác Đoàn trong đó chú trọng giúp ĐVTN về vốn, khoa học - kỹ thuật, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình hay cách làm mới hiệu quả về phát triển kinh tế đến đông đảo ĐVTN tại địa phương.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/day-manh-phong-trao-dong-hanh-voi-thanh-nien-lap-than-lap-nghiep-40638.html