Đẩy mạnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản an toàn, sạch, thực phẩm hữu cơ thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học hiện được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững.

Tại các doanh nghiệp, việc ứng dụng thiên địch trong quản lý dịch hại kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo mộc giúp giảm sử dụng thuốc hóa học từ 3-4 lần

Tại các doanh nghiệp, việc ứng dụng thiên địch trong quản lý dịch hại kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo mộc giúp giảm sử dụng thuốc hóa học từ 3-4 lần

Nông dân còn chưa mặn mà

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 278.154 ha đất canh tác nông nghiệp, với diện tích gieo trồng 383.960 ha. Hằng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 3.500 tấn/năm, trong đó lượng thuốc sinh học chiếm khoảng 25%.

Thuốc BVTV sinh học được nông dân sử dụng nhiều chủ yếu trên cây rau, chè chiếm từ 30-40%, còn lại các cây trồng khác như: hoa, lúa, ngô, cà phê, tiêu điều... tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học khoảng 5-10%. Các nhóm thuốc trừ sâu sinh học được sử dụng phổ biến ở Lâm Đồng gồm nhóm thuốc vi khuẩn chủ yếu là Bacillus thuringiensis; nhóm nấm trừ sâu Beauveria bassiana và Metarhizium anisopliae; nhóm thuốc thảo mộc Azadirachtin, Matrine, Oxymatrine, Rotenone…; nhóm thuốc Abamectin, Emamectin benzoate…

Là địa phương có vựa hoa màu lớn nhất của Lâm Đồng với hơn 27.000 ha, mỗi năm vùng rau Đơn Dương cung cấp khoảng 900.000 tấn rau cho các chợ đầu mối và siêu thị khắp cả nước. Chính vì vậy, lượng thuốc BVTV mà người dân huyện Đơn Dương sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp mỗi năm không hề nhỏ. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 180 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV.

KHUYẾN CÁO SÂU BỆNH GÂY HẠI CÂY TRỒNG MÙA MƯA

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa yêu cầu Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại cây trồng trong mùa mưa.

Theo đó, với cây rau, hoa, nông dân sử dụng các loại giống kháng bệnh kết hợp với biện pháp luân canh, kiểm soát bọ trĩ, bọ phấn, rầy rệp… làm môi giới truyền bệnh virus. Cây cà phê cần tích cực tỉa cành, tạo tán, bón phân đợt 3, tập trung phòng trừ bệnh bọ xít muỗi, khô cành, khô quả, rỉ sắt, vàng lá… Tập trung làm cỏ, bón phân, chú ý phòng trừ bệnh đốm sọc VK, ốc bươu vàng, khô vằn, đạo ôn, rầy nâu… trên cây lúa.

Ngoài ra, Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng tập trung hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh nứt thân xì mủ (cây sầu riêng); sâu đục thân, đục cành, thán thư (cây điều); sâu keo mùa thu (cây bắp)…

VŨ VĂN

Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương nhận định: Nhiều nông dân biết tác hại của thuốc BVTV hóa học và muốn dùng thuốc BVTV sinh học. Tuy vậy, để thuốc BVTV sinh học được sử dụng rộng rãi vẫn còn nhiều thách thức, trong đó rào cản trước hết là về nhận thức. Bên cạnh đó, dịch bệnh hại cây trồng bây giờ rất nhiều và phát triển còn nhanh hơn danh mục.

Theo bà Khoan, thuốc BVTV hóa học không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn gây ô nhiễm môi trường, tàn phá đất đai. Đặc biệt, việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, do không đảm bảo chất lượng, cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, phần vì thói quen, phần do thuốc BVTV sinh học thường tạo ra hiệu quả tương đối chậm và điều kiện bảo quản khắt khe hơn, nên nông dân vẫn chuộng các loại thuốc BVTV hóa học.

Cùng chung nhận định, ông Trần Thiện Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Thiện Thanh (xã Đạ Ròn, Đơn Dương) cho rằng: Thực tế, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học không những cần những hiểu biết không chỉ về dịch hại, mà còn về thổ nhưỡng, thời tiết, mối quan hệ giữa dịch hại và chính những tác nhân sinh học đó. Chi phí cho các loại thuốc BVTV sinh học cao nhưng hoạt lực lại thấp hơn thuốc hóa học.

Trong khi đó, các sản phẩm rau quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán không chênh lệch nhiều với sản phẩm thông thường. Đây là một khó khăn lớn trong việc sử dụng và phổ biến kiến thức về thuốc BVTV sinh học cho người dân.

Tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học

Tại Hội nghị “Phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây đã thảo luận, đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký lên 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%.

Hiện so với cả nước, Lâm Đồng là địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc BVTV sinh học và được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững và chủ động trong công tác BVTV, thay thế dần thuốc BVTV hóa học.

Ông Hà Ngọc Chiến - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng cho biết: Đối với lĩnh vực BVTV, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại đã được triển khai từ năm 1997 với sự hỗ trợ của Cục BVTV, Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Lâm Đồng đã nhập khẩu, nhân nuôi và thả tại các vùng canh tác rau họ thập tự ở Đà Lạt 103.202 kén ong ký sinh Diadegma semilcausum và 113.398 kén ong Diadegma. Tỷ lệ sâu tơ bị ký sinh bởi ong Diadegma semilcausum đạt khá cao 30-50%. Hiện nay quần thể ong đã được thiết lập góp phần giảm số lần sử dụng thuốc BVTV từ 4-5 lần so với trước đây.

Ngoài ra, để phát triển ngành công nghệ sinh học, Sở Khoa học - Công nghệ đã đặt hàng và phê duyệt triển khai 2 đề tài cấp tỉnh về “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại tỉnh Lâm Đồng” và đề tài “Nghiên cứu ứng dụng biện pháp sinh học tổng hợp trong phòng trừ sâu, bệnh hại một số cây trồng chính tại Lâm Đồng”.

Các đề tài đã nghiên cứu thành phần thiên địch và khả năng ứng dụng thiên địch trong quản lý dịch hại kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo mộc để giảm số lần sử dụng thuốc hóa học từ 3-4 lần so với sản xuất đại trà.

Còn trong thực tế sản xuất rau, hoa công nghệ cao, việc sử dụng thiên địch phòng trừ dịch hại đã được các doanh nghiệp như Công ty Dalat Hasfarm, Fresh studio áp dụng như: nhập nội tuyến trùng có ích để tiêu diệt trứng và ấu trùng ruồi nhuế hại cây hoa tiểu quỳnh, nhập nội và nhân nuôi nhện bắt mồi Amblyseius sp.; Atheta coriaria phòng trừ nhện đỏ, bọ trĩ hại hoa cúc, hồng, đồng tiền, ớt ngọt…, sản xuất nhân nuôi nấm xanh Metazhium sp. phòng trừ rầy rệp, Trichoderma sp. để phòng trừ nấm Fusarium sp, Pythium sp trong đất.

Hiện nay Công ty Dalat Hasfarm đã ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, thiên địch để quản lý dịch hại trên 130 ha hoa các loại tại Đơn Dương, Đà Lạt. Qua đó, đã giảm từ 30% lượng thuốc BVTV hóa học so với trước đây.

Để nhân rộng việc ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ dịch hại năm 2018, Chi cục Trồng trọt & BVTV đã hỗ trợ Công ty Dalat Hasfarm xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về sử dụng nhện bắt mồi để phòng trừ nhện đỏ trên rau, hoa, từ đó có thể cung cấp cho các nông dân liên kết sản xuất hoa với công ty sử dụng để giảm thuốc BVTV hóa học.

Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về vai trò, lợi ích của các chế phẩm sinh học cũng như nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học, rất cần sự chung tay đồng hành của chính quyền các cấp, cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Bởi thực tế, việc tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV sinh học hiện vẫn chỉ là “khẩu hiệu”, phụ thuộc vào ý thức người sản xuất, chưa được “hiện thực hóa” bằng các hành động, giải pháp cụ thể.

Ông Chiến cũng lưu ý, việc sử dụng biện pháp phòng trừ sinh học không có nghĩa là diệt trừ tất cả các sâu hại hoặc bệnh hại, mà là làm giảm áp lực của sâu bệnh xuống dưới ngưỡng gây hại. Vì thế, biện pháp sinh học phải được áp dụng chung với các biện pháp canh tác phù hợp khác; áp dụng trong khoảng thời gian đủ lâu, khoảng không gian đủ rộng mới phát huy hiệu quả.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/day-manh-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-sinh-hoc-3014595/