Đẩy mạnh tăng trưởng từ cuộc cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ họp báo về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, đây là chương trình cải cách thủ tục hành chính có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Trong giai đoạn 2007 - 2010, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 thủ tục hành chính. Trong đó, đã cắt giảm được 37,31% thủ tục hành chính, tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục hành chính đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Nhờ đó, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, tăng 20 bậc giai đoạn 2016-2020 theo đánh giá của WB, năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hành chính chủ yếu vẫn bằng phương thức thủ công; người dân, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, đi lại nhiều nơi, phát sinh gánh nặng hành chính không cần thiết. Nguyên nhân chính của những tồn tại này chủ yếu là do chưa thực sự có cách tiếp cận tổng thể, chưa có cách làm và công cụ phù hợp để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn hiệu quả về chính sách và quy định không còn phù hợp.

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thời gian qua vẫn còn hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn ở các quy định pháp luật. Chúng ta có nhiều Luật, nhưng không tích hợp được với nhau gây cản trở lớn cho doanh nghiệp, nếu không giải quyết được sẽ không thúc đẩy được phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, sau 2 đợt cải cách trong nhiệm kỳ Chính phủ thời gian qua, hiện nay, chúng ta khởi động đợt sóng cải cách mới-Chương trình Nghị quyết số 68/NQ-CP, cắt giảm tiếp theo 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; rà soát xóa bỏ chồng chéo trong các quy định.

Tại họp báo, chuyên gia Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã giới thiệu về công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, lần cải cách này sẽ bao trùm toàn bộ các ngành nghề kinh doanh, toàn bộ các quy định hiện hành và dự thảo; tiếp cận tổng thể và lấy doanh nghiệp làm trung tâm; ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách; đánh giá, theo dõi, giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực; doanh nghiệp, người dân tham gia vào quá trình cải cách, và giám sát kết quả thực hiện tại các bộ, ngành.

Về phạm vi của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, mà còn cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh đó, Nghị quyết còn tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định thông qua đẩy mạnh thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Nghị quyết số 68/NQ-CP cũng đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020). Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trước mắt, các bộ, ngành sẽ cần sớm hoàn thành thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ vào phần mềm thống kê, rà soát theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/10/2020.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-tang-truong-tu-cuoc-cai-cach-quy-dinh-lien-quan-den-hoat-dong-kinh-doanh-113777.html