Đẩy mạnh thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

BHG - Trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15.10.1949, Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. Hiện nay, văn bản của Đảng ta đã ghi nhận thêm: “Dân vận và công tác dân vận là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị”.

Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; luôn xác định lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục và mang tính chiến lược lâu dài, đây cũng là cơ sở để củng cố vững chắc khối đoàn kết các dân tộc, bảo vệ và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác dân vận gắn với phát triển KT - XH phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi tặng quà người cao tuổi xã Thượng Phùng (Mèo Vạc).

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Mạnh Lợi tặng quà người cao tuổi xã Thượng Phùng (Mèo Vạc).

Hiện, công tác dân vận có nhiều đổi mới với phương châm hướng mạnh về cơ sở, quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân, kịp thời phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền đều phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng truyền thông số để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân, mở rộng các kênh thông tin, truyền thông, chuyên trang, chuyên mục dân vận, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.

Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng’’ tiếp tục được đổi mới. Các cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều quy chế, quy định để thực hiện, bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của cấp ủy từ tỉnh tới cơ sở có bước tiến bộ, nhất là đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng. Duy trì và đổi mới, nâng cao chất lượng giao ban định kỳ hằng quý của Thường trực Tỉnh ủy với các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thành ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương để chỉ đạo giải quyết và định hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo.

Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho BCH Đảng bộ tỉnh Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết ra đời với phương châm, quan điểm lãnh đạo “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “Kiên trì, bền bỉ, mưa dầm thấm lâu” và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của Ban chỉ đạo các cấp, sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, từng huyện, từng xã đã nhận diện rõ đâu là phong tục, tập quán tốt đẹp để bảo tồn, giữ gìn và phát huy; đâu là hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần xóa bỏ.

Để cụ thể hóa công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 18.8.2022 về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. HĐND tỉnh ban hành các chính sách nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng gần dân, sát dân, công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân; chỉ đạo triển khai khẩn trương, đồng bộ Chương trình phát triển KT - XH. Nhiều chương trình, dự án được triển khai kịp thời đã tác động tích cực đến đời sống của nhân dân.

Hoạt động giám sát được đổi mới, nội dung giám sát tập trung vào hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, việc tu dưỡng rèn luyện của cán bộ, đảng viên, các chế độ, chính sách liên quan đến người dân. Công tác góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hoạt động phản biện xã hội đối với các chính sách, chương trình, dự án phát triển KT - XH có bước chuyển biến rõ nét; từ năm 2021 đến nay đã giám sát 4.480 cuộc, tổ chức 470 hội nghị phản biện.

Công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 27.4.2022 của BTV Tỉnh ủy về lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 – 2030; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; công tác nắm tình hình, hòa giải các mâu thuẫn ở cơ sở góp phần đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 19-ĐA/TU, ngày 13.12.2022 về xây dựng, quản lý và phát huy vai trò cốt cán trong tôn giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

75 năm qua, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng một cách hiệu quả, linh hoạt những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong tác phẩm “Dân vận”. Để chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả thì chủ trương, chính sách khi ban hành phải sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Việc tổ chức thực hiện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, kiên trì và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; cùng với đó, xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/hoc-tap-theo-bac/202410/day-manh-thuc-hien-cong-tac-dan-van-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-fe01b89/