Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở

Thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện nghiêm túc gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận cũng như phát huy tốt vai trò làm chủ của Nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 Các công trình hạ tầng nông thôn đảm bảo chất lượng hơn khi có sự tham gia trực tiếp của người dân - Ảnh: L.N

Các công trình hạ tầng nông thôn đảm bảo chất lượng hơn khi có sự tham gia trực tiếp của người dân - Ảnh: L.N

Việc thực hiện QCDC cơ sở ở xã, phường, thị trấn đã đi vào nền nếp, phát huy hiệu quả tích cực trong cộng đồng dân cư nhờ cụ thể hóa, triển khai nghiêm túc Pháp lệnh 34/2007/PLUBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các nội dung dân bàn, dân kiểm tra, dân quyết định được thực hiện đúng quy định. Trước các kỳ họp của HĐND các huyện, thị xã, thành phố, Thường trực HĐND phối hợp với UBMTTQVN tổ chức tiếp xúc cử tri để thông báo cụ thể cho cử tri biết kết quả thực hiện và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thu chi ngân sách cùng nhiều nội dung khác để cử tri đóng góp ý kiến… Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn đã thực hiện mở rộng dân chủ để Nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như bê tông hóa đường giao thông, điện chiếu sáng… theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Với cách làm này, sau khi có dự toán thiết kế công trình sẽ tổ chức họp dân và thảo luận hình thức làm, mức đóng góp và cử đại diện hộ gia đình tham gia quản lý công trình, do đó các công trình luôn đảm bảo chất lượng.

UBND các cấp cũng thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai 100% các thủ tục hành chính, các quy trình giải quyết tại trụ sở UBND; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính. Những vấn đề trọng tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, UBND các cấp đã tiến hành lấy ý kiến của người dân trước khi quyết định thông qua. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người dân và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Qua đó đã giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư vượt cấp. Để thực hiện tốt QCDC cơ sở, Ban giám sát cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn cũng được củng cố, kiện toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 125 Ban thanh tra nhân dân với 1.081 thành viên; 150 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.179 thành viên. Sự phối hợp giữa mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC cơ sở ngày càng chặt chẽ, phát huy được vai trò, chức năng của mỗi tổ chức trong tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề Nhân dân đang quan tâm. Các tổ dân vận tại các thôn, bản, khu phố tuy mới thành lập nhưng đã đi vào hoạt động khá hiệu quả.

Các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện nghiêm túc QCDC cơ sở gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình và đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Cùng với đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được tăng cường và phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20/20 sở, ban, ngành; 9/10 huyện, thị, thành phố; 125/125 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các cơ chế này. Mô hình một cửa điện tử hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm, tập trung chấn chỉnh tác phong, thái độ, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Việc kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những CBCCVC có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2020, các đơn vị thanh tra trên địa bàn tỉnh đã tiến hành 43 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại 46 đơn vị, phát hiện 23 đơn vị có sai phạm, xử lý kỷ luật 1 cá nhân; tiến hành 18 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng tại 20 đơn vị… UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất với tổng số 1.050 lượt/1.199 người/969 vụ việc...

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện QCDC cơ sở, thời gian tới, các cấp, các ngành cần triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, gắn với việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định đã ban hành phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới về thực hiện QCDC cơ sở. Tập trung thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính, chế độ công vụ và đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCCVC. Duy trì thường xuyên và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. Tăng cường công tác tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở ở các loại hình cơ sở…

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156542&title=day-manh-thuc-hien-quy-che-dan-chu-co-so