Đẩy mạnh tuyên truyền đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống
Luật Thủ đô năm 2024 gồm 7 chương với 54 điều, so với Luật Thủ đô năm 2012 nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật.
Tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 11-2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều qua 1-11, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin chuyên đề tuyên truyền phổ biến giáo dục Luật Thủ đô năm 2024.
Tại kỳ họp thứ bảy khóa XV Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô số 39/2024/QH15. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025, trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Đó là việc quản lý, sử dụng không gian ngầm quy định tại Điều 19; Việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7 Điều 21; việc phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quy định tại Điều 23; việc thử nghiệm có kiểm soát quy định tại Điều 25 và việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao quy định tại Điều 40.
Luật Thủ đô năm 2024 gồm 7 chương với 54 điều (so với Luật Thủ đô năm 2012 nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật). Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; đặc biệt là với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.
Để tuyên truyền Luật Thủ đô đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, ngày 22-8-2024 UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nội dung tuyên truyền gồm: Sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô; quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô; mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô; nội dung cơ bản Luật Thủ đô.
Cùng với đó là các chính sách theo lĩnh vực quy định trong Luật Thủ đô; các hoạt động cơ quan, tổ chức, diễn đàn pháp luật, hội nghị, hội thảo, tọa đàm…. trong quá trình triển khai thi hành Luật Thủ đô; quá trình xây dựng, dự thảo và triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh, việc tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, Kế hoạch 254 của thành phố đã đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo hệ thống Tuyên giáo quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc tập trung cao điểm tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành đến đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, các cơ quan thông tin, truyền hình, báo chí của thành phố tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật tới từng đối tượng cụ thể. Kế hoạch 254 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị thành phố; UBND quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn việc tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Trong đó, các cơ quan báo chí của thành phố phối hợp với cơ quan chủ trì thông tin chính sách, tăng cường tuyên truyền qua tin, bài, chuyên mục… trên báo giấy, báo in và các hình thức phù hợp.