Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển sản xuất

Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển sản xuất đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng và tăng giá trị của sản phẩm.

Khu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).

Khu sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa).

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, huyện Hoằng Hóa đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào phát triển sản xuất và XDNTM. Đặc biệt, huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào trồng trọt, chăn nuôi. Từ việc áp dụng KH&CN, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất, một số sản phẩm đã và đang trở thành hàng hóa chủ lực của huyện, như: vùng sản xuất rau an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ; vùng trồng khoai tây quy mô lớn theo hình thức liên kết, bao tiêu sản phẩm; vùng trồng dưa vàng Kim hoàng hậu, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất tập trung dưa hấu, dưa lê. Huyện cũng đã thực hiện tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ ứng dụng hiệu quả KH&CN trong phát triển sản xuất, tổng diện tích tích tụ tập trung đất đai trên địa bàn huyện thực hiện trong giai đoạn 5 năm trở lại đây là trên 1,2 nghìn ha, diện tích nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao đạt trên 410ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt gần 200ha, trong đó trồng trọt đạt trên 150ha. Toàn huyện đã ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa đạt 100% khâu làm đất, 40% khâu gieo cấy và 99% khâu thu hoạch, đã có HTX dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ máy bay phun thuốc trừ sâu bệnh hại trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có khoảng 170ha sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; 765ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và gần 80.000ha nông sản được sản xuất theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ cho lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất thông thường; 80% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được bao tiêu sản phẩm. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được đầu tư chuyên sâu hơn. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đã tiếp nhận chuyển giao và áp dụng công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ nuôi cấy mô trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng; tiếp nhận, chuyển giao thành công công nghệ sinh học trong sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo, lan kim tuyến; thực hiện các biện pháp bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các loài thực vật bản địa có giá trị khoa học và kinh tế; phát triển và xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, vùng sản xuất rau an toàn. Khuyến khích nhân rộng việc ứng dụng kỹ thuật canh tác thủy canh, canh tác trong hệ thống nhà kính, nhà lưới gắn với công nghệ thâm canh cao, canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ với công nghệ phù hợp, thân thiện môi trường như: Mô hình lúa-cá tại huyện Hà Trung (200ha), mô hình lúa - rươi tại huyện Quảng Xương và Nông Cống (13ha), mô hình bưởi hữu cơ tại huyện Yên Định, rau hữu cơ tại huyện Đông Sơn...

Bên cạnh trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAP, ứng dụng hệ thống tự động hóa, bán tự động hóa và cơ giới hóa trong chăn nuôi công nghiệp với năng suất cao, tiết kiệm năng lượng, kết cấu bền vững và công nghệ tiên tiến.

Trong thủy sản, đã nghiên cứu kỹ thuật sản xuất một số giống thủy hải sản có giá trị kinh tế cao; hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghiệp; kỹ thuật trong nuôi ngao tập trung, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các công nghệ, kỹ thuật mới trong khai thác, bảo quản trên tàu khai thác hải sản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác. Ngoài ra, trong lĩnh vực chế biến, quản lý sau thu hoạch, đã triển khai xây dựng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất ứng dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn và tích hợp thông tin vào mã QR Code phục vụ truy xuất nguồn gốc; công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, an toàn...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp tại các địa phương còn thấp và hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội, quy mô ứng dụng KHCN vào sản xuất còn nhỏ bé, số lượng sản phẩm KH&CN ứng dụng vào sản xuất còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp của một tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, số người dân làm nông nghiệp và sống ở địa bàn nông thôn lớn.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Thanh Hóa phát triển theo hướng “nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với XDNTM; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; hình thành và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ...”. Ngoài các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, bà con nông dân cũng cần thay đổi tư duy, chủ động trong tiếp cận KH&CN tiên tiến để thay đổi phương thức sản xuất, canh tác, bắt nhịp với xu thế chung của thế giới nhằm nâng cao giá trị nông sản, từng bước đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-phat-trien-san-xuat-228498.htm