Đẩy mạnh xã hội hóa việc dồn điền, đổi thửa
Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) được ví như cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh những tồn tại, vướng mắc đòi hỏi chính quyền và ngành chức năng sớm giải quyết, để công tác DĐĐT phát huy hiệu quả.
Giai đoạn 2013 - 2020, toàn tỉnh có 69 xã của 7 huyện, thị xã và thành phố triển khai thực hiện công tác DĐĐT trên 263 cánh đồng, với diện tích trên 7.600/10.639ha (71,5%). Tổng kinh phí thực hiện DĐĐT hơn 186 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 110 tỷ đồng.
Khắc phục “ruộng mới, sổ cũ”
Xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) là địa phương dẫn đầu tỉnh về công tác DĐĐT, với hơn 600ha. Sau DĐĐT, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, diện tích mỗi thửa từ 500 - 1.500m2, giúp sản xuất thuận lợi, năng suất lúa bình quân đạt 68 tạ/ha. Vì vậy, người dân kiến nghị chính quyền địa phương tiếp tục DĐĐT đối với 30ha còn lại. Tuy nhiên, 2 năm qua, UBND xã Phổ Thuận không thể triển khai thực hiện.
Dồn điền đổi thửa giúp nhiều cánh đồng ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) liền vùng liền thửa, nông dân thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Võ Minh Vương, không chỉ xã Phổ Thuận, mà từ năm 2021 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn TX.Đức Phổ cũng tạm dừng thực hiện DĐĐT. Nguyên nhân là để DĐĐT khoảng 2.000ha đất nông nghiệp cần nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách địa phương hạn chế. Hơn nữa, khoản nợ 13,8 tỷ đồng thực hiện DĐĐT, giai đoạn 2013 - 2020 vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Còn tại huyện Mộ Đức, ngoài khó khăn về kinh phí, thì rào cản đối với công tác DĐĐT là chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho cá nhân, hộ gia đình đối với những thửa đất sau khi đã DĐĐT. Sự chậm trễ này khiến người dân không yên tâm sản xuất, thậm chí gặp nhiều khó khăn trong việc lập đề án chuyển đổi đất lúa sang các mô hình sản xuất mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết, kinh phí thực hiện DĐĐT giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn huyện khoảng 41,7 tỷ đồng; trong đó, chi phí thực hiện cấp GCNQSDĐ cho hơn 13 nghìn thửa đất trên 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh chưa bố trí đủ, địa phương không có nguồn kinh phí để chỉnh lý, đo đạc diện tích biến động sau DĐĐT, nên nhiều thửa đất cũng chưa được cấp GCNQSDĐ. Điều này khiến chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý đất nông nghiệp.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, công tác DĐĐT góp phần quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng giảm số thửa, tăng diện tích bình quân mỗi thửa đạt từ 500 - 2.000m2, nhằm hình thành vùng sản xuất lớn, góp phần tăng giá trị sử dụng đất. Tuy nhiên, ngân sách hỗ trợ DĐĐT theo Quyết định 50/2016/QĐ-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh phân bổ không kịp thời (hiện còn nợ khoảng 45 tỷ đồng). Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và hiệu quả DĐĐT, trong đó có việc chậm trễ đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho người dân.
Tháo gỡ khó khăn kinh phí
Theo chính quyền các địa phương, công tác DĐĐT hiện gặp khó khăn là do nguồn lực chưa đáp ứng, trong khi ngân sách hạn chế, doanh nghiệp (DN) cũng không tích cực tham gia. Để tháo gỡ nút thắt này, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh cần tạo hành lang pháp lý trong việc tổ chức thực hiện DĐĐT, theo hướng phân cấp ngân sách rõ ràng gắn với đẩy mạnh xã hội hóa.
Cánh đồng thôn 7, xã Đức Tân (Mộ Đức), có diện tích 62ha sẽ được tổ chức dồn điền đổi thửa bằng hình thức xã hội hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho rằng, xã hội hóa DĐĐT vừa giảm áp lực ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cũng như trách nhiệm quản lý đất sản xuất nông nghiệp của chính quyền cơ sở và người dân. Huyện Mộ Đức là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh thống nhất về việc thực hiện DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng không sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện UBND huyện Mộ Đức chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ DN hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ xin cấp quyền khai thác khoáng sản, để thực hiện DĐĐT 62ha tại cánh đồng thôn 7, xã Đức Tân (Mộ Đức).
Về phía DN, Giám đốc Công ty CP Gạch Hùng Nghĩa (TX.Đức Phổ) Huỳnh Ngọc Khôi đề xuất, trên cơ sở cân đối thu - chi tương ứng với sản lượng khoáng sản được khảo sát, Nhà nước ban hành cơ chế đóng góp, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích gắn với trách nhiệm giữa DN, người dân và chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần tạo thuận lợi cho DN trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, gắn với minh bạch thông tin phương án, kế hoạch cũng như sản lượng khoáng sản. Qua đó, giúp DN mạnh dạn, người dân yên tâm tham gia thực hiện DĐĐT.
Bài, ảnh: MỸ HOA