Dạy nghề bám sát nhu cầu của hội viên nông dân

Trên tinh thần 'Dạy những cái nông dân cần', Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp dạy nghề bám sát nhu cầu của hội viên, nông dân. Từ đó giúp đông đảo hội viên, nông dân có thêm kiến thức để áp dụng vào phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống.

Ông Quan Vân Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có gần nửa đời người gắn bó với nghề trồng lạc. Trước đây, ông trồng lạc theo kinh nghiệm, thói quen cũ. Tháng 8-2019, ông tham gia lớp dạy nghề trồng lạc được mở tại xã do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Lớp học đã đáp ứng đúng nguyện vọng, mong muốn của ông và nhiều nông dân khác. Những kiến thức mới, bổ ích, tư duy trồng lạc khác hẳn trước đây, hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân thôn Minh Tân, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) tham gia lớp chăn nuôi cáthực hành kiểm tra phát hiện sớm các bệnh trên cá nuôi.

Ông Trường chia sẻ, vụ lạc vừa qua ông thực hiện che phủ nilon, bón phân trùn quế, sử dụng chế phẩm vi sinh cho toàn bộ 3.000 m2 lạc. Cách làm mới đó, vừa tiết kiệm công làm cỏ, cây lạc ít bị sâu, bệnh nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, sức khỏe người trồng lạc được đảm bảo, đất ít bị rửa trôi hơn, củ lạc chắc hơn, năng suất tăng 150 kg/1.000 m2 so với cách trồng lạc truyền thống. Sau khi trừ hết mọi chi phí ông lãi trên 10 triệu đồng, gần gấp đôi so với những vụ lạc trước đây.

Các lớp dạy nghề do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh mở tới tận xã, tận thôn, bản tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên, nông dân theo học, tiết kiệm chi phí đi lại. Lớp chăn nuôi cá được mở tại thôn Minh Tân, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) là lớp học như vậy. 35 nông dân theo học đều ở thôn Minh Tân. Những học viên được đi thực hành tại khu lồng nuôi cá sông Lô. Với sự hướng dẫn của giảng viên, các học viên ai cũng háo hức thực hành cách đo lưu tốc dòng chảy, kiểm tra các chỉ số, chất lượng nước, kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng của cá...

Ông Trần Văn Lanh, thôn Minh Tân chia sẻ, thấy mọi người nuôi cá lồng mang lại giá trị kinh tế cao, ông đầu tư nuôi 3 lồng cá chiên. Vì thiếu kiến thức nên chịu rủi ro lớn, cá bị chết, hay bị bệnh, chậm lớn. Được tham gia lớp học này quá bổ ích là điều mà ông mong muốn. Từ sự hướng dẫn, góp ý của giảng viên, ông vỡ ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh ngay như: Chọn vị trí đặt lồng, vệ sinh lồng nuôi thường xuyên hạn chế dịch bệnh, khử trùng thức ăn trước khi cho cá ăn, cách phát hiện, điều trị một số bệnh thông thường trên cá, đặc biệt là việc cần bổ sung thêm vitamin C giúp tăng đề kháng, phòng bệnh xuất huyết trên cá.

Ông Lê Đình Quỳnh, Chi hội trưởng nông dân thôn Minh Tân vui mừng cho biết, chi hội có gần 60 hội viên thì mới có 2 hộ hội viên đang nuôi cá lồng trên sông Lô. Tới đây, khi Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B trên địa bàn thôn đi vào hoạt động tích nước sẽ tạo ra vùng lòng hồ rộng, tiềm năng phát triển nuôi cá lồng là rất lớn. Nhận thấy tiềm năng tương lai đó, Chi hội đã cho hội viên đăng ký đề xuất với các cấp hội tổ chức lớp chăn nuôi cá, nhằm trang bị kiến thức cần thiết để phát triển chăn nuôi cá lồng trong thời gian tới.

Theo anh Lê Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh, trên tinh thần “dạy cái nông dân cần”, căn cứ chỉ tiêu được giao Trung tâm chủ động phối hợp cùng các cơ sở hội khảo sát nhu cầu người học, mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới hoặc duy trì nông thôn mới. Thời gian tổ chức lớp học tránh thời điểm mùa thu hoạch bận rộn của nông dân, trùng với thời vụ sản xuất, quá trình học lý thuyết có thể thực hành ngay được. Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề gắn với đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân thông qua hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên nông dân được mua vật tư, phân bón theo phương thức trả chậm... góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/day-nghe-bam-sat-nhu-cau-cua-hoi-vien-nong-dan-133420.html