Đẩy nhanh giải ngân vốn ODA cuối năm

Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và giải ngân các nguồn vốn ODA nói riêng. Tỉnh hiện đang thực hiện 12 dự án ODA với tổng vốn đầu tư 446.540 triệu đồng, đã giải ngân 109.899 triệu đồng, đạt 25,6% kế hoạch vốn giao.

Đẩy nhanh giải ngân vốn ODA cuối

Giải ngân đạt 25,6%

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư xác định giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đồng thời, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Đo đạc giải phóng mặt bằng (Ảnh: Đ.Hòa)

Trong số 12 dự án, chương trình sử dụng vốn nước ngoài đang hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, thủy lợi, giáo dục, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tổng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 đã bao gồm vốn năm 2019 chuyển sang 446.540 triệu đồng; trong đó, vốn năm 2019 chuyển sang là 127.991 triệu đồng, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2020 là 281.000 triệu đồng và vốn địa phương vay lại là 37.549 triệu đồng. Đến ngày 23/10, các dự án đã giải ngân 109.899 triệu đồng, đạt 25,6% kế hoạch vốn được giao.

Vướng mắc

Mặc dù nỗ lực, mức giải ngân đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện có 2 dự án hoàn thành giải ngân là Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung của tỉnh Bình Thuận; Dự án trồng rừng ven biển chắn sóng, chắn cát để cải thiện môi trường sống và canh tác của người dân địa phương tỉnh Bình Thuận – SPRCC. Một số dự án do vướng mắc thay đổi về chính sách đầu tư xây dựng (Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8 của Chính phủ quy định về quản lý đầu tư xây dựng) nên đã phát sinh một số thủ tục pháp lý, điều chỉnh làm chậm tiến độ giải ngân cụ thể như: Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2, tổng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 là 8.528 triệu đồng, cuối tháng 10/2020 giải ngân đạt 56% kế hoạch. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân chậm giải ngân do năng lực một số nhà thầu thực hiện chậm; dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến khối lượng cũng như thời gian thực hiện của các nhà thầu. Những vướng mắc khác về quy trình thẩm định việc rút vốn nước ngoài còn nhiều thủ tục kéo dài, dẫn đến nguồn vốn nước ngoài chuyển về tài khoản của chủ đầu tư dự án vào thời gian cuối năm nên nhà thầu thi công cầm chừng chờ vốn; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến giá trị giải ngân. Đến nay, một số dự án giải ngân chậm, chưa giải ngân như: Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (ADB8); Dự án lĩnh vực nước tỉnh Bình Thuận; Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8)…

Để đảm bảo thực hiện giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, chủ đầu tư huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Rà soát những tồn tại, yếu kém ở từng khâu chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện từng dự án, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, đồng bộ tháo gỡ khó khăn. Đẩy mạnh việc giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời hành vi thông thầu, cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân.

Tỉnh dự kiến giải ngân đến ngày 31/12/2020 khoảng 241.197 triệu đồng, đạt 56,17%. Đồng thời, kiến nghị Trung ương chuyển tiếp 187.773 triệu đồng kế hoạch vốn năm 2020 sang năm 2021 để tiếp tục thực hiện 5 dự án; chuyển trả về Trung ương khoảng 17.149 triệu đồng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 là 2 dự án.

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/day-nhanh-giai-ngan-von-oda-cuoi-nam-132543.html