Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công

Thời gian qua, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý đầu tư công, từng bước xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án đến phân bổ, bố trí và sử dụng nguồn vốn, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời sát với yêu cầu thực tiễn, từ đó tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Kết cấu hạ tầng kinh tế được đầu tư ngày càng đồng bộ, tạo môi trường thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương đang được đẩy nhanh tiến độ

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký 436 triệu USD, gấp 1,5 lần so giai đoạn 2016- 2020, đưa Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh về thu hút FDI, đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Ấn Độ với các lĩnh vực đầu tư như linh kiện điện tử, công nghiệp dệt may, sản xuất bao bì, hạt nhựa, chế biến thực phẩm...

Với phương châm “Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi”, Phú Thọ sẵn sàng chuẩn bị mặt bằng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn; đồng thời cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động tại Phú Thọ, từ khâu hoàn thiện các thủ tục, quá trình đầu tư và trong cả quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2022, Phú Thọ hướng tới mục tiêu thu hút 30 - 40 nghìn tỉ đồng, trong đó, đầu tư FDI chiếm từ 500 triệu USD trở lên. Đến năm 2025, dự kiến có khoảng 220 doanh nghiệp FDI hoạt động; tạo việc làm mới cho 40.000 - 50.000 lao động.

Theo Nghị quyết số 28/NQ- HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022, tổng số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 là hơn 2.982 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương, ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm; các công trình cấp bách, phục vụ sản xuất, an sinh xã hội. Theo đó, tổng số kế hoạch vốn đã giao là gần 2.591 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 1.774 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh 816,6 tỉ đồng.

Năm 2022, Phú Thọ có 18 dự án trọng điểm, về đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng... Việc triển khai các dự án đầu tư công đặt ra nhiều áp lực cho địa phương song khi các dự án hoàn thành hứa hẹn góp phần quan trọng cho kinh tế- xã hội của mỗi địa phương phát triển. Đối với các dự án trọng điểm do tỉnh quản lý, có 6 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016- 2020 và kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022 đang triển khai thi công các hạng mục.

Các dự án đã được bố trí vốn 2022, trong đó một số dự án đang thi công là Trường THPT Chuyên Hùng Vương, đường nối đường Hồ Chí Minh đến ĐT320C đi huyện Thanh Ba...; ba dự án của các bộ, ngành, các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc giao cho tỉnh làm chủ đầu tư hiện đang khẩn trương thực hiện theo nguồn vốn được bố trí.

Dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Hùng Vương được HĐND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch trên tổng diện tích 4,72ha tại xã Trưng Vương và phường Thanh Miếu, TP Việt Trì có tổng đầu tư 457,4 tỉ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án hướng đến tạo một không gian đào tạo hiện đại về kiến trúc, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trở thành điểm nhấn về giáo dục của tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên và học sinh; phục vụ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các bên liên quan đang quyết liệt thực hiện một số giải pháp nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện nay, công trình đã hoàn thiện một số hạng mục cơ bản, dự kiến sẽ chuyển học sinh về trường mới học tập trước dịp 20/11.

Tập trung thi công công trình cầu Vĩnh Phú kết nối giữa tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Cầu Vĩnh Phú - cây cầu bắc qua sông Lô có điểm cầu phía Việt Trì kết nối với đường Trần Phú, giao với đê hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê tả sông Lô- xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 540 tỉ đồng. Cầu được thiết kế bảo đảm 4 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu chính 19m, bề rộng cầu dẫn 16,5m. Hiện nay, cùng với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho các kỹ sư, công nhân, liên danh nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện thi công các hạng mục, phấn đấu hoàn thành công trình theo kế hoạch. Ông Cấn Mạnh Hùng - Chỉ huy công trình, Liên danh hai nhà thầu là Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam và Công ty TNHH Quảng Lợi cho biết: “Phần thi công các hạng mục công trình phía sông chắc chắn sẽ vượt tiến độ. Tuy nhiên, mặt bằng đầu cầu phía Việt Trì chưa sẵn sàng để cho đơn vị thi công một mố cầu và một trụ cầu, phương tiện, vật tư và nhân lực đã sẵn sàng nhưng vẫn phải đợi. Nếu không có mặt bằng nhanh để thi công thì sẽ chậm, vì còn nhiều việc phải làm như khoan, làm trụ, đúc dầm... Dự kiến thời gian thi công một mố và một trụ cầu phía Việt Trì khoảng 8 tháng”.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm. Công tác quản lý dự án được thực hiện theo kế hoạch, chủ trương đầu tư, phù hợp với quy định của pháp luật. UBND tỉnh, các sở, ngành thường xuyên kiểm tra cơ sở để nắm bắt tình hình thực hiện các dự án, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công đã chủ động lập kế hoạch thực hiện dự án theo quy định. Việc thực hiện đúng các mục tiêu, giải pháp triển khai đầu tư công sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025.

Dự kiến đến 30/9/2022 giải ngân các nguồn vốn ước đạt 242,8 tỉ đồng, đạt 89,5% và phấn đấu đạt 100% trước 31/12/2022; 18 dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025 (chưa bao gồm dự án đường liên vùng), đã được bố trí vốn kế hoạch 2021-2022 và bổ sung kế hoạch 2022 theo chương trình phục hồi kinh tế.

Quan điểm của tỉnh Phú Thọ là không để chậm giải phóng mặt bằng, ngoài trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, thì trách nhiệm còn thuộc về địa phương. Do đó, các bên liên quan phải chủ động, phối hợp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền, báo cáo kịp thời UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết. Khi triển khai dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Tinh thần là cái gì có lợi cho dân thì cố gắng làm. Bên cạnh đó phải xem xét, lựa chọn năng lực của nhà thầu, yêu cầu nhà thầu cam kết về tiến độ, chất lượng công trình và đôn đốc nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án.

Đối với các công trình khởi công mới, phải hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sẵn sàng giải ngân nhanh. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các công trình, đánh giá lại năng lực chủ đầu tư. Kiên quyết chuyển chủ đầu tư nếu không đủ năng lực. Việc xây dựng khu tái định cư phải làm đồng thời cùng với dự án xây lắp để người dân yên tâm di dời đến khu tái định cư ổn định cuộc sống.

Theo ông Phạm Quang Minh- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thời gian tới, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành, thị phải rà soát lại từng nội dung, phần việc cụ thể, xem nội dung nào có thể làm được trước thì tiến hành làm ngay, không cứng nhắc. Các sở, ngành, các huyện, thành, thị phải cộng đồng trách nhiệm, thực hiện với quyết tâm cao nhất. Các chủ đầu tư, các sở, ngành và lãnh đạo các huyện, thành, thị nơi triển khai dự án đầu tư công phải chỉ đạo, tính toán từng phần việc và cam kết mốc thời gian cụ thể thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-dau-tu-cong/186779.htm