Đẩy nhanh tiến độ khôi phục diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp

Sau các đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương, tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp để khắc phục thiệt hại, sớm tổ chức lại sản xuất. Tuy vậy, đến nay vẫn còn hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông bị vùi lấp nặng chưa được phục hồi, cải tạo.

 Nhiều diện tích đất ở xã Hướng Sơn, Hướng Hóa bị vùi lấp khó khôi phục để sản xuất - Ảnh: T.T

Nhiều diện tích đất ở xã Hướng Sơn, Hướng Hóa bị vùi lấp khó khôi phục để sản xuất - Ảnh: T.T

Theo thống kê, huyện Hướng Hóa hiện còn 293 ha đất bị vùi lấp thuộc địa bàn 15 xã với 1.956 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, có 189 ha có khả năng khôi phục, cải tạo, tuy nhiên diện tích này phân bổ manh mún, rải rác, địa hình đi lại khó khăn, hầu hết bị đá tảng lớn, gốc cây, cát sạn vùi lấp rất sâu từ 1 - 3m.

Tại xã Hướng Sơn còn hơn 43 ha đất bị ảnh hưởng bởi thiên tai, việc khôi phục diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp đã được người dân và chính quyền địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn Lê Trọng Tường cho biết, ngoài việc khẩn trương khắc phục hơn 15 ha để kịp đưa vào sản xuất vụ hè thu 2021, thời gian qua, người dân đã thuê máy móc, phương tiện tiếp tục khôi phục đối với diện tích có thể cải tạo được, đã có thêm 15 ha được phục hồi để chuẩn bị đưa vào sản xuất vụ tới.

Với 104 ha đất không thể khôi phục, cải tạo, huyện Hướng Hóa đã đề xuất với ngành nông nghiệp là cần có thời gian ổn định, chờ lượng đất mùn trôi về, đất phục hồi mới tiếp tục sản xuất nông nghiệp hoặc hỗ trợ chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Ngoài ra, cần có phương án hỗ trợ mô hình chăn nuôi đối với các hộ dân có diện tích đất không thể khôi phục để trồng trọt nhằm tạo thu nhập, đảm bảo sinh kế cho người dân. Người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn huyện chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn nên không có khả năng đối ứng kinh phí để triển khai thực hiện việc khôi phục, cải tạo đất sản xuất mà chủ yếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ kinh phí của nhà nước để triển khai thực hiện.

Với khoảng 16 ha đất sản xuất bị vùi lấp từ 1 - 2 m, tập trung tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, diện tích này có khả năng khôi phục, cải tạo để tiếp tục sản xuất lúa nước. Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, phần diện tích này bị bồi lấp nặng, nhỏ lẻ, manh mún, giao thông khó khăn, huyện dự kiến sẽ chuyển đổi sang trồng hoa màu nhưng người dân muốn khôi phục để tiếp tục trồng lúa nên chưa thể thực hiện được.

Trước nhu cầu cần đất sản xuất của người dân, vừa qua ngành nông nghiệp đã xây dựng phương án khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp do thiên tai, trước mắt tập trung cải tạo, phục hồi 205 ha. Giải pháp được đề xuất là tùy theo địa hình để sử dụng phù hợp, đồng bộ các phương tiện cơ giới và thủ công nhằm giải phóng khối lượng đất, đá, cát, gốc rễ cây trên đồng ruộng, trả lại cơ bản hiện trạng ban đầu, sau đó dùng vôi, các chế phẩm vi sinh vật để cải tạo đất trước khi đưa vào sản xuất. Khi đất đã đáp ứng các điều kiện để đưa vào sản xuất, ngành chuyên môn sẽ tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho các hộ dân. Hướng dẫn người dân lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, đảm bảo chất lượng, thích hợp cho từng vùng đất, chống chịu tốt với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật về giống, mùa vụ, phân bón, thủy lợi, phòng trừ sâu bệnh…vào sản xuất, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.

Để triển khai thực hiện những phần việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Theo phương án mà ngành nông nghiệp xây dựng, đối với giống cây trồng, phân bón để tổ chức sản xuất, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 70% chi phí để mua giống, vật tư thiết yếu đối với sản xuất lúa và rau màu các loại. Với diện tích đất bị bồi lấp không thể khôi phục, sẽ ưu tiên bố trí đất sản xuất cho các hộ dân mất đất từ các quỹ đất trên địa bàn, đặc biệt từ quỹ đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ cây giống, con giống để sản xuất, chăn nuôi.

Việc sớm triển khai thực hiện xử lý, khôi phục, cải tạo các diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp sẽ giảm thiểu diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân các vùng bị thiệt hại. Đồng thời qua đó, người dân được bổ sung kiến thức, trình độ sản xuất tiên tiến, nâng cao năng lực ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161168&title=day-nhanh-tien-do-khoi-phuc-dien-tich-dat-nong-nghiep-bi-vui-lap