ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ NGHIÊN CỨU GIA NHẬP NGHỊ ĐỊNH THƯ VỀ CHỐNG ĐƯA NGƯỜI DI CƯ TRÁI PHÉP

Một trong những yếu tố bảo đảm thuận lợi cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép là sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế. Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu việc gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không,...

Di cư trái phép (Ảnh Tư liệu)

Di cư trái phép (Ảnh Tư liệu)

Khuôn khổ pháp lý chung

Nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép (ĐNDCTP), cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng Nghị định thư về chống ĐNDCTP bằng đường bộ, đường biển và đường không (gọi tắt là NĐT), bổ sung cho Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Khi gia nhập NĐT, các quốc gia sẽ có một số lợi ích như được tham gia vào một cộng đồng lớn trong đó các quốc gia cùng cam kết xây dựng một khuôn khổ hợp tác chung để giải quyết nạn đưa người di cư trái phép và xóa bỏ "các thiên đường" cho tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Đồng thời, các quốc gia sẽ có thêm các điều kiện thuận lợi để giữ chủ quyền bằng cách chống lại các hoạt động tội phạm trục lợi từ việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia và sự gia tăng của tội phạm có tổ chức đi ngược với lợi ích quốc gia.

Ở Việt Nam, việc tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài xảy ra khá phổ biến trong thập niên 80 của thế kỷ trước. Đến những năm đầu thập niên 90, hoạt động tổ chức cho người khác trốn đi nướcxuất hiện trở lại, chủ yếu dưới hình thức lén lút đưa người vượt biên trái phép bằng đường bộ, đường biển mà không có giấy tờ hợp lệ. Hiện nay, việc tổ chức cho người đi nước ngoài trái phép được thực hiện thông qua những hình thức công khai “hợp pháp” như thông qua việc đi du lịch, du học, công tác, thăm thân, xuất khẩu lao động… Tính chất “xuyên quốc gia” của hoạt động ĐNDCTP đòi hỏi công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này phải có sự hợp tác tích cực và hiệu quả giữa các quốc gia.

Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Việt Nam đã xác định việc gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để Việt Nam tổ chức thực hiện toàn diện nội dung Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Mà một trong những yếu tố bảo đảm thuận lợi cho việc gia nhập NĐTchính là sự hài hòa, tương thích giữa pháp luật quốc gia và quốc tế. NĐT yêu cầu các quốc gia thành viên bằng các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác để phòng, chống đưa NDCTP.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu việc gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa, Việt Nam trở thành thành viên của Công ước UNTOC và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vào ngày 8.6.2012. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) năm 2015 đã được thông qua và sau đó được Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung năm 2017. Những điều khoản mới trong Bộ luật Hình sự đã phản ánh sát hơn những chuẩn mực quốc tế, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là nỗ lực rất lớn về mặt lập pháp của Việt Nam trong việc nội luật hóa những nội dung cơ bản của Công ước UNTOC và Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các quy định của pháp luật Việt Nam đến nay về cơ bản đã tương đối đầy đủ và bao quát các biện pháp phòng ngừa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, quy định của pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn một số điểm chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép. Ngoài ra, các quy định vẫn còn nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và chưa tạo thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ định hướng cho công tác này. Do đó, Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu xem xét việc tham gia Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Lê Thị Vân Anh- Bộ Tư pháp cho rằng, để phòng, chống ĐNDCTP, có thể thấy pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ và bao quát, từ các biện pháp phòng ngừa, như kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hoátại khu vực biên giới, bao gồm cửa khẩu đất liền, cảng biển, cửa khẩu hàng không đến các biện pháp xử lý vi phạm, gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự. Các quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quy định của BLHS năm 2015 về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của NĐT về hình sự hóa hành vi ĐNDCTP.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Lê Thị Vân Anh chỉ rõ, mặc dù vậy, để phòng, chống việc ĐNDCTP một cách hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như phù hợp, hài hòa hơn với pháp luật quốc tế thì có thể thấy pháp luật Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhất định: pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm chính thức về “đưa người di cư trái phép”; pháp luật Việt Nam không quy định miễn trừ trách nhiệm đối với người di cư trái phép kể cả trong trường hợp họ bị cưỡng ép, nên về nguyên tắc họ vẫn có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự về hành vi vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép;…

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Lê Thị Vân Anh, một trong những yếu tố bảo đảm thuận lợi cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm đưa người di cư trái phép nói riêng là sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật khu vực, quốc tế. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp luật của Việt Nam về phòng, chống đưa người di cư trái phép nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về phòng, chống đưa người di cư trái phép, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Lê Thị Vân Anh, nhấn mạnh, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ triển khai nghiên cứu việc gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung cho Công ước Liên Hợp Quốc về chống Tội phạm có Tổ chức xuyên Quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt được xác định trong Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống Tội phạm có Tổ chức xuyên Quốc gia và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số 605/QĐ-TTgCP ngày 18/4/2013.

Đồng tình với quan điểm này, từ thực tiễn hoạt động, Trưởng Phòng 6, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Đào Bá Thống - Bộ Công an Việt Nam cho rằng, cần sớm gia nhập Nghị định thư về chống người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Đồng thời, phối hợp với các nước trên thế giới để nghiên cứu điều chỉnh các chính sách về xuất nhập cảnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được với các điều kiện di cư hợp pháp, thực hiện quyền được lao động, nâng cao thu nhập chính đáng đồng thời hạn chế được hoạt động đưa người di cư trái phép, bóc lột sức lao động và các loại tội phạm khác liên quan đến mua bán người./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66353